K. Marx - F. Engels
Gia đình thần thánh


LỜI TỰA

Ở Đức, chủ nghĩa nhân đạo hiện thực không có kẻ thù nào nguy hiểm hơn chủ nghĩa duy linh tức chủ nghĩa duy tâm tư biện, là chủ nghĩa đem thay thế con người cá thể hiện thực bằng "tự ý thức" hoặc "tinh thần" và cùng với nhà truyền đạo, nó giảng dạy rằng: "Tinh thần đem lại sinh khí còn thể xác thì yếu đuối bất lực". Rõ ràng là cái tinh thần không có thể xác đó chỉ có lực lượng tinh thần, lực lượng trí tuệ trong óc tưởng tượng của nó thôi. Cái mà chúng tôi đấu tranh chống lại trong sự phê phán của Bauer chính là tư biện tự tái sinh dưới hình thức biếm hoạ. Theo chúng tôi, nó là biểu hiện hoàn chỉnh nhất của nguyên tắc Cơ đốc giáo Đức định giãy giụa lần cuối cùng bằng cách biến bản thân "sự phê phán" thành một lực lượng siêu nghiệm để tự khẳng định mình.

Bản trình bày của chúng tôi chủ yếu là nhằm vào "Allgemeine Literatur-Zeitung"1 của Bruno Bauer mà chúng tôi đã có tám số đầu, vì trong đó có sự phê phán của Bruno Bauer và do đó mọi sự bịa đặt ngu xuẩn của tư biện Đức nói chung đã đạt tới đỉnh cao nhất của nó. Sự phê phán có tính phê phán (sự phê phán của "Literatur-Zeitung") càng dùng triết học để xuyên tạc hiện thực đến tức cười như một vở đại hài kịch thì nó lại càng bổ ích cho chúng ta. FaucherSzeliga là một ví dụ: "Literatur-Zeitung" cung cấp cho chúng tôi những tài liệu có thể dùng để giúp đông đảo bạn đọc quan niệm được rõ rệt những ảo tưởng của triết học tư biện. Đấy cũng là mục đích của tác phẩm của chúng tôi.

Lẽ tất nhiên là phương pháp chúng tôi trình bày đối tượng phải phụ thuộc vào tính chất của bản thân đối tượng. Về mọi mặt, sự phê phán có tính phê phán đều thấp hơn trình độ phát triển của lý luận ở Đức. Vì vậy, tính chất của đối tượng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tại sao ở đây, chúng tôi không bàn nhiều thêm về sự phát triển đó.

Hơn nữa: sự phê phán có tính phê phán buộc chúng tôi phải dùng bản thân những thành quả hiện đã đạt được để đối chiếu giản đơn với nó.

Vì vậy, theo chúng tôi, tác phẩm luận chiến này chỉ là lời mở đầu cho những tác phẩm riêng trong đó chúng tôi sẽ trình bày - dĩ nhiên là mỗi người sẽ trình bày riêng - quan điểm khẳng định của chúng tôi và do đó lập trường khẳng định của chúng tôi đối với các học thuyết triết học và xã hội hiện đại.

Paris, tháng Chín 1844

Engels, Marx

Chú thích

1 "Allgemeine Literatur-Zeitung" ("Báo văn học phổ thông") là tạp chí tiếng Đức ra hàng tháng, do B. Bauer thuộc phái Hegel trẻ chủ biên, phát hành ở Charlottenburg từ tháng Chạp 1843 đến tháng Mười 1844.


[Mục lục]   [Chương sau]