Mác - Ănggen
Phê phán cương lĩnh Gotha
1. "Lao động là nguồn của mọi của cải và mọi văn hoá, và vì lao động có ích thì chỉ có thể có được trong xã hội và do xã hội, cho nên thu nhập do lao động đem lại là thuộc về tất cả mọi thành viên trong xã hội một cách không bị cắt xén, theo những quyền ngang nhau".
Phần thứ nhất của đoạn này: "Lao động là nguồn của mọi của cải và mọi văn hoá".
Lao động không phải là nguồn của mọi của cải. Giới tự nhiên, cũng như lao động, là nguồn của những giá trị sử dụng (vì của cải vật chất lại chính là gồm những giá trị này!) và bản thân lao động cũng chỉ là biểu hiện của một sức tự nhiên, sức lao động của con người. Câu này có ở trong mọi quyển sách vỡ lòng và nó chỉ đúng trơng chừng mực nó muốn nói rằng lao động được thực hiện với những đối tượng và công cụ thích ứng. Nhưng một cương lĩnh xã hội chủ nghĩa thì không được để cho những câu nói tư sản rỗng tuếch ấy bỏ qua những điều kiện mà chỉ có chúng mới có thể làm cho những câu nói ấy có nghĩa. Chỉ trong chừng mực mà con người ngay từ đầu đối xử với giới tự nhiên, - nguồn gốc đầu tiên của mọi tư liệu lao động và đối tượng lao động - với tư cách là kẻ sở hữu; chừng nào mà con người đối xử với giới tự nhiên coi đó là một vật thuộc về mình thì chừng ấy, lao động của con người mới trở thành nguồn gốc của các giá trị sử dụng, do đó mới trở thành nguồn gốc của cải. Bọn tư sản có những lý do rất quan trọng để gán cho lao động cái sức sáng tạo siêu tự nhiên đó, vì chính là do lao động bị tự nhiên quyết định cho nên người nào không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình ra thì trong mọi trạng thái xã hội và văn hoá, đều nhất định sẽ phải làm nô lệ cho những kẻ khác nắm trong tay những điều kiện vật chất của lao động. Người đó chỉ có thể lao động và do đó chỉ có thể sinh sống, khi được những kẻ này cho phép.
Nhưng chúng ta hãy để cái mệnh đề ấy nguyên như thế, hay nói cho đúng hơn, cứ để nó khập khiễng như vậy. Thế thì kết luận sẽ phải như thế nào? Rõ ràng là phải kết luận như sau:
"Vì lao động là nguồn của mọi của cải cho nên không một ai trong xã hội có thể chiếmhữu của cải bằng cách nào khác hơn là chiếm hữu sản phẩm của lao động. Vậy nếu kẻ nào tự mình không lao động thì kẻ đó sống nhờ vào lao động của người khác, và cái văn hoá của hắn, hắn cũng phải nhờ vào lao động của người khác mới có được".
Đáng lẽ như vậy thì người ta lại dùng những chữ "và vì" để thêm vào mệnh đề thứ nhất một mệnh đề thứ hai, đặng rút ra một kết luận từ mệnh đề thứ hai, chứ không phải từ mệnh đề thứ nhất.
Phần thứ hai của đoạn này: "Lao động có ích thì chỉ có thể có được trong xã hội và do xã hội".
Theo mệnh đề thứ nhất, lao động là nguồn của mọi của cải và mọi văn hoá, vậy không có lao động thì không thể có một xã hội nào cả. ấy thế mà ngược lại, chúng ta lại được biết rằng không có xã hội thì không thể có một lao động "có ích" nào cả.
Thế thì người ta cũng rất có thể nói rằng chỉ có trong xã hội thì lao động vô ích và thậm chí có hại cho xã hội mới có thể trở thành một ngành công nghiêpu; rằng chỉ có trong xã hội, người ta mới có thể sống mà không lao động, v.v... và v.v..., - tóm lại là chép nguyên văn Rousseau.
Và lao động "có ích" là gì ? Chỉ có thể là thứ lao động nào đem lại hiệu quả có ích mà người ta đã dự tính. Một con người mông muội - và con người là một người mông muội khi họ không còn là con khỉ nữa - dùng đá ném chết một con thú, hái lượm hoa quả, v.v..., tức là họ đã làm một lao động "có ích".
Phần thứ ba: Kết luận: "Và vì lao động có ích thì chỉ có thể có được trong xã hội và do xã hội cho nên thu nhập do lao động đem lại là thuộc về tất cả mọi thành viên trong xã hội một cách không bị cắt xén, theo những quyền ngang nhau".
Kết luận thật hay ! Nếu lao động có ích thì có thể có được trong xã hội và do xã hội thì thu nhập do lao động đem lại là thuộc về xã hội - còn thuộc về phần người lao động riêng lẻ thì chỉ còn lại những gì không cần thiết cho sự duy trì "điều kiện" của lao động, tức là duy trì xã hội mà thôi.
Và thật vậy, trong mọi thời đại, nhứng kẻ bảo vệ cho mỗi trật tự xã hội nhất định đều nêu lên luận điểm đó. Trước hết là những tham vọng của chính phủ với tất cả những cái gắn liền vào chính phủ đó, vì chính phủ là cơ quan của xã hội để duy trì trật tự xã hội; rồi đến các loại tham vọng của những kẻ sở hữu tư nhân vì các loại sở hữu tư nhân đều là cơ sở của xã hội, v.v... Như người ta thấy, những câu rỗng tuếch ấy có thể tha hồ lật đi lật lại theo nghĩa nào cũng được.
Chỉ có viết như sau đây thì giữa phần thứ nhất với phần thứ hai của đoạn này mới có một hợp lý nào đó:
"Lao động là nguồn của của cải và của văn hoá, chỉ khi nào nó là lao động xã hội", hay nói như thế này cũng vậy: "khi nó được tiến hành trong xã hội và do xã hội".
Luận điểm này rõ ràng là đúng, vì lao động riêng lẻ (giả sử những điều kiện vật chất của nó là có đủ) cũng có thể tạo ra những giá trị sử dụng nhưng lại không thể tạo ra của cải, cũng không thể tạo ra văn hoá được.
Nhưng một luận điểm khác sau đây cũng không còn phải bàn cãi gì nữa:
"Lao động càng phát triển lên thành lao động xã hội và do đó trở thành nguồn của của cải và của văn hoá thì sự nghèo khổ và cảnh sống vất vưởng lại càng phát triển ở phía người lao động, còn của cải và văn hoá lại ngày càng phát triển ở phía kẻ không lao động".
Đó là quy luật của toàn bộ lịch sử từ xưa đến nay. Cho nên, thay vào những câu nói rỗng tuếch chung chung về "lao động" và "xã hội" thì ở đây, cần phải chỉ ra một cách rõ ràng là trong xã hội tư bản chủ nghĩa hiện nay, những điều kiện vật chất và những điều kiện khác khiến người lao động có thể và bắt buộc phải đập tan cái tai hoạ lịch sử ấy, rốt cuộc đã được tạo ra như thế nào.
Nhưng trên thực tế, cả đoạn này, một đoạn không thành công về hình thứuc và sai lầm về nội dung, đã được đưa vào chỉ là để người ta có thể ghi lên trên lá cờ của đảng, như kiểu một khẩu hiệu, cái công thức của phái Lassalle: "thu nhập không bị cắt xén của lao động". Sau này, tôi sẽ trở lại vấn đề "thu nhập của lao động", "quyền ngang nhau", v.v..., vì ở đoạn dưới cũng vẫn điều đó sẽ quay trở lại dưới một hình thức hơi khác.
2. "Trong xã hội hiện nay, tư liệu lao động là độc quyền của giai cấp các nhà tư bản; tình trạng lệ thuộc, do tình hình đó đẻ ra, của giai cấp công nhân của cảnh khốn cùng và cảnh nô dịch dưới tất cả các hình thức của nó".
Luận điểm này, mượn trong Điều lệ của Quốc tế, dưới cái hình thức tái bản "có sửa chữa" đó, là sai lầm. Trong xã hội hiện nay, tư liệu lao động là độc quyền của bọn địa chủ (sự độc quyền về sở hữu ruộng đất thậm chí còn là cơ sở của sự độc quyền tư bản) và của các nhà tư bản. Điều lệ của Quốc tế, trong đoạn nói đó, không nói đến giai cấp bọn độc quyền nào cả. Bản Điều lệ ấy nói đến "sự độc quyền về tư liệu lao động nghĩa là về những nguồn sinh sống"; những tiếng: "về những nguồn sinh sống" thêm vào như thế là đủ chỉ cho người ta thấy rõ rằng ruộng đất cũng được gộp vào trong sổ các tư liệu lao động.
Người ta đã sửa lại như thế là vì Lassalle, với những lý do mà ngày nay mọi người đều biết rõ, chỉ công kích giai cấp các nhà tư bản thôi, chứ không công kích bọn địa chủ. ở Anh, thường nhà tư bản lại không phải là người sở hữu miếng đất trên đó xưởng máy của hắn được xây dựng.
3. "Sự giải phóng lao động đòi hỏi phải nâng tư liệu lao động lên thành tài sản chung của xã hội và phải điều tiết một cách tập thể toàn bộ lao động, đồng thời phân phối một cách công bằng thu nhập của lao động".
"Nâng tư liệu lao động lên thành tài sản chung" ! Cái đó ắt phải có nghĩa là: "biến thành tài sản chung". Nhưng ở đây, chỉ nói qua thế thôi.
"Thu nhập của lao động" là cái gì ? Là sản phẩm của lao động hay là giá trị của sản phẩm đó ? Và nếu là giá trị của sản phẩm thì đó là toàn bộ giá trị của sản phẩm hay chỉ là phần giá trị mà lao động đã thêm vào giá trị của những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng ?
"Thu nhập của lao động" là một ý niệm mơ hồ mà Lassalle đưa ra để thay thế cho những khái niệm kinh tế nhất định.
Phân phối "công bằng" nghĩa là gì ?
Bọn tư sản há chẳng khẳng định rằng sự phân phối hiện nay là "công bằng" đó sao ? Và quá vậy, trên cơ sở phương thức sản xuất hiện nay thì đó há chẳng phải là sự phân phối duy nhất "công bằng" hay sao ? Phải chăng những quan hệ kinh tế là do những khái niệm pháp lý điều tiết hay ngược lại, những quan hệ pháp lý lại phát sinh từ những quan hệ kinh tế ? Những môn phái xã hội chủ nghĩa há cũng chẳng đã có những quan niệm hết sức khác nhua về sự phân phối "công bằng" hay sao ?
Muốn biết chữ phân phối "công bằng" ở đây có nghĩa là gì, chúng ta phải đem đối chiếu đoạn thứ nhất với đoạn này. Đoạn này giả định một xã hội trong đó "phải nâng tư liệu lao động lên thành tài sản chung của xã hội và phải điều tiết một cách tập thể toàn bộ lao động", còn đoạn thứ nhất thì lại cho ta thấy rằng "thu nhập của lao động là thuộc về tất cả mọi thành viên trong xã hội một cáhc không bị cắt xén, theo những quyền ngang nhau".
"Thuộc về tất cả mọi thành viên trong xã hội" ư ? Kể cả những kẻ không lao động ư ? Thế thì còn đâu là cái "thu nhập không bị cắt xén của lao động" nữa ? Nó chỉ thuộc về những thành viên có lao động trong xã hội thôi ư ? Thế thì cái "quyền ngang nhau" của tất cả mọi thành viên trong xã hội sẽ ra sao ?
Nhưng mấy chữ "tất cả mọi thành viên trong xã hội" và "quyền ngang nhau" rõ ràng chỉ là những cách nói thôi. Thực chất của vấn đề là: trong xã hội cộng sản chủ nghĩa ấy, mỗi người lao động phải nhận được, theo kiểu Lassalle, "thu nhập không bị cắt xén của lao động" của mình.
Trước hết, chúng ta hãy lấy từ ngữ "thu nhập của lao động" theo nghĩa là sản phẩm của lao động, như thế thì thu nhập tập thể của lao động sẽ có nghĩa là tổng sản phẩm xã hội.
Trong tổng sản phẩm đó, phải khấu đi:
Một là: phần để thay thế những tư liệu sản xuất đã tiêu dùng.
Hai là: một phần phụ thêm để mở rộng sản xuất.
Ba là: một quỹ dự trữ hoặc quỹ bảo hiểm để phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra, v.v...
Những khoản khấu trừ như thế vào "thu nhập không bị cắt xén của lao động" là một tất yếu kinh tế, và khấu trừ nhiều hay ít là tuỳ theo những tư liệu và những lực lượng hiện có, một phần là nhờ lối tính xác suất, nhưng dù sao người ta cũng không thể dựa vào sự công bằng để tính những khoản khấu trừ đó được.
Còn lại phần kia của tổng sản phẩm thì dành làm vật phẩm tiêu dùng.
Trước khi tiến hành phân phối cho cá nhân, lại còn phải khấu trừ:
Một là: những chi phí quản lý chung, không trực tiếp thuộc về sản xuất.
So với xã hội hiện nay, phần này sẽ lập tức bị thu hẹp lại hết sức nhiều và xã hội mới càng phát triển thì phần đó sẽ càng giảm xuống.
Hai là: những khoản dùng để cùng chung nhau thoả mãn những nhu cầu, như trường học, cơ quan y tế, v.v...
Phần này lập tức tăng lên khá nhiều so với xã hội hiện nay, và xã hội mới càng phát triển thì phần đó lại càng tăng lên.
Ba là: quỹ cần thiết để nuôi những người không có khả năng lao động, v.v..., tóm lại là những cái thuộc về việc mà ngày nay, người ta gọi là cứu tế xã hội của nhà nước.
Cuối cùng, bây giờ mới tự "sự phân phối" - mà bản cương lĩnh này, do ảnh hưởng của Lassalle, chỉ bàn đến nó một cách thiển cận, - nghĩa là bây giờ, mới tới cái phần những vật phẩm tiêu dùng đem chia cho cá nhân những người sản xuất của tập thể.
"Thu nhập không bị cắt xén của lao động" bỗng nhiên đã biến thành "bị cắt xén", mặc dầu cái mà người sản xuất, với tư cách là cá nhân, bị mất đi thì với tư cách là thành viên của xã hội, người đó lại nhận được một cách trực tiếp hay gián tiếp.
Giống như từ ngữ "thu nhập không bị cắt xén của lao động" trước kia đã biến mất thì giờ đây, từ ngữ "thu nhập của lao động" nói chung cũng biến mất.
Trong một xã hội tổ chứuc theo nguyên tắc của chủ nghĩa tập thể, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất thì những người sản xuất không trao đổi sản phẩm của mình; ở đây, lao động chi phí vào sản phẩm cũng không biểu hiện ra thành giá trị của những sản phẩm ấy, bởi vì giờ đây, trái với xã hội tư bản chủ nghĩa, lao động của cá nhân tồn tại - không phải bằng một con đường vòng như trước nữa mà là trực tiếp - với tư cách là một bộ phận cấu thành của tổng lao động. Như vậy, từ ngữ "thu nhập của lao động" - ngay hiện nay, từ ngữ này cũng đã không thể thừa nhận được nữa, vì tính chất mơ hồ của nó - lúc đó sẽ không còn có nghĩa gì nữa.
Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra. Vậy một khi đã khấu trừ các khoản đi rồi, mỗi một người sản xuất nhận được trở lại vừa đúng cái mà anh ta đã cung cấp cho xã hội. Cái mà anh ta đã cống hiến cho xã hội là lượng lao động của cá nhân anh ta. Ví dụ, ngày lao động xã hội là tổng số những giờ lao động cá nhân. Thời gian lao động cá nhân của mỗi một người sản xuất là cái phần ngày lao động xã hội mà người đó đã cung cấp, cái phần anh ta đã tham gia trong đó. Anh ta nhận của xã hội một cái phiếu chững nhận rằng anh đã cung cấp một số lao động là bao nhiêu (sau khi đã khấu trừ số lao động của anh ta làm cho các quỹ xã hội) và với cái phiếu ấy, anh ta lấy ở kho của xã hội ra một số lượng vật phẩm tiêu dùng trị giá ngang với một số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp. Cùng một số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội dưới một hình thức này thì anh ta lại nhận trở lại của xã hội dưới một hình thức khác.
Rõ ràng rằng ngự trị ở đây, cũng vẫn là cái nguyên tắc đã điều tiết sự trao đổi hàng hoá trong chừng mực đó là một sự trao đổi những giá trị ngang nhau. Nhưng nội dung và hình thức có đổi khác, vì trong những điều kiện đã thay đổi thì không một ai có thể cung cấp một cái gì khác ngoài lao động của mình và mặt khác, vì ngoài những vật phẩm tiêu dùng cá nhân ra thì không còn có gì khác có thể trở thành sở hữu của cá nhân được. Nhưng đối với việc phân phối những vật phẩm ấy giữa từng người sản xuất thì thống trị ở đây, cũng vẫn là cái nguyên tắc trong việc trao đổi những hàng hoá - vật ngang giá: một số lượng lao động dưới một hình thức này được đổi lấy cùng một số lượng lao động dưới một hình thức khác.
Vì vậy, ở đây, về nguyên tắc, cái quyền ngang nhau cũng vẫn là cái quyền tư sản, tuy rằng ở đây, nguyên lý và thực tiễn không còn mâu thuẫn với nhau nữa, còn trong trao đổi hàng hoá thì việc trao đổi những vật ngang giá chỉ tồn tại theo những điều kiện trung bình, chứ không phải cho từng trường hợp riêng biệt.
Mặc dầu có sự tiến bộ ấy, cái quyền ngang nhau đó bao giờ cũng vẫn còn bị giới hạn trong khuôn khổ tư sản. Quyền của người sản xuất là tỷ lệ với lao động mà người ấy đã cung cấp; sự ngang nhau là ở chỗ người ta đo bằng một thước đo như nhau, tức là bằng lao động. Nhưng một cá nhân này, về thể chất và tinh thần, lại hơn một cá nhân khác và do đó, trong cùng một thời gian như thế,người ấy cung cấp được nhiều lao động, hoặc có thể lao động được lâu hơn, và muốn dùng lao động làm thước đo phải xác định rõ thời gian và cường độ của nó, nếu không thì nó không còn là thước đo nữa. Quyền ngang nhau ấy là một quyền không ngang nhau đổi với một lao động không ngang nhau. Nó không thừa nhận một sự phân biệt giai cấp nào cả, vì bất cứ người nào cũng chỉ là một người lao động như người khác; nhưng nó lại mặc nhiên thừa nhận sự không ngang nhau về năng khiếu cá nhân và do đó, vè năng lực lao động của những người lao động, coi đó là những đặc quyền tự nhiên. Vậy theo nội dung của nó, đó là một thứ quyền không ngang nhau, cũng như bất cứ quyền nào. Do bản chất của nó, quyền chỉ có thể là ở chỗ dùng cùng một thước đo như nhau; song những cá nhân không ngang nhau (và họ sẽ không phải là những người không ngang nhau) chỉ có thể đo theo một thước đo như nhau rong chừng mực người ta xét họ theo một giác độ giống nhau, nghĩa là chỉ xét họ về một phương diện nhất định; ví dụ trong trường hợp này, người ta chỉ xét họ về mặt là những người lao động, và không thấy gì hơn nữa ở họ, không xét đến cái gì khác nữa. Tiếp nữa: người công nhân này lập gia đình rồi, người kia chưa; người này có nhiều con hơn người kia, v.v... và v.v... Như vạy, với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dùng của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia, v... Muốn tránh tất cả những thiếu sót ấy thì quyền nói cho đúng ra là phải không ngang nhau, chứ không phải là ngang nhau.
Nhưng đó là những thiếu sót không thể tránh khỏi trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, lúc nó vừa mới lọt lòng từ xã hội tư bản chủ nghĩa ra, sau những cơn đau đẻ dài. Quyền không bao giờ có thể ở một mức cao hơn chế độ kinh tế và sự phát triển văn hoá của xã hội do chế độ kinh tế đó quyết định.
Trong một giai đoạn cao hơn của xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà sự phụ thuộc có tính chất nô dịch của họ vào sự phân công lao động không còn nữa và cùng với sự phụ thuộc đó, sự đối lập giữa lao động trí óc với lao động chân tay cũng không còn nữa; khi mà lao động trở thành không những một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một nhu cầu bậc nhất của sự sống; khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các cá nhân, năng suất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của cải xã hội đều tuôn ra dồi dào - chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra khỏi giới hạn chật hẹp của cái quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!
Tôi đã đặc biệt nói nhiều, một mặt, về "thu nhập không bị cắt xén của lao động", và mặt khác, về "quyền ngang nhau", về sự phân phối công bằng", cốt để chỉ ra rằng người ta đã phạm một tội lớn như thế nào khi muốn một mặt thì bắt ép đảng ta một lần nữa phải tiếp nhận, coi là những giáo điều, những quan niệm có đôi chút ý nghĩa ở một thời kỳ nào đó, song ngày nay chỉ còn là những sáo ngữ cũ rích, nhưng mặt khác, lại dùng những lời nhảm nhí về tư tưởng pháp lý và tư tưởng khác mà phái dân chủ và những người xã hội chủ nghĩa Pháp thường hay dùng, để xuyên tạc cái quan niệm hiện thực chủ nghĩa mà đảng phải khó khăn lắm mới gây dựng được và hiện đã bắt rễ vững chắc ở trong đảng rồi.
Không kể những điều nói trên, việc coi cái mà người ta gọi là sự phân phối là chủ yếu và nhấn mạnh vào cái đó, cũng là một sai lầm.
Bất kỳ một sự phân phối nào về tư liệu tiêu dùng cũng chỉ là hậu quả của sự phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất; nhưng sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một tính chất của chính ngay phương thức sản xuất là một tính chấtchất của chính ngay phương thức sản xuất.
Ví dụ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên tình hình là những điều kiện vật của sản xuất lại nằm ở trong tay những kẻ không lao động, dưới hình thức sở hữu tư bản và sở hữu ruộng đất, còn quần chúng thì chỉ là kẻ sở hữu những điều kiện người của sản xuất, tức là sức lao động. Nếu những yếu tố của sản xuất được phân phối như thế thì việc phân phối hiện nay về tư liệu tiêu dùng tự nó cũng do đó mà ra. Nếu những yếu tố của sản xuất được phân phối như thế thì việc phân phối hiện nay về tư liệu tiêu dùng tự nó cũng do đó mà ra. Nếu những điều kiện vật của sản xuất là sở hữu tập thể của bản thân những người lao động thì cũng sẽ có một sự phân phối những tư liệu tiêu dùng khác với sự phân phối hiện nay. Chủ nghĩa xã hội tầm thường (và từ chủ nghĩa đó, lại có cả một bộ phận nào đó của phái dân chủ nữa) đã thừa hưởng được của những nhà kinh tế học tư sản cái thói xem xét và lý giải sự phân phối như một cái gì độc lập với phương thức sản xuất và vì thế mà họ quan niệm chủ nghĩa xã hội như là chủ yếu xoay quanh sự phân phối. Khi những quan hệ thật đã đượcgiải thích rõ từ lâu rồi thì quay trở lại một lần nữa để làm gì ?
4. "Việc giải phóng lao động phải là sự nghiệp của giai cấp công nhân, đối diện với giai cấp này, tất cả các giai cấp khác chỉ họp thành một khối phản động".
Vế thứ nhất rút trong lời mở đầu bản Điều lệ của Quốc tế, nhưng dưới một hình thức "có sửa chữa". Lời mở đầu ấy viết: "Việc giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp của bản thân công nhân"; còn ở đây thì "giai cấp công nhân" phải giải phóng cái gì ? Giải phóng "lao động". Ai có thể hiểu được thì hiểu.
Nhưng để bù lại thì cái vế sau đó là một đoạn trích dẫn đúng của Lassalle "đối diện với giai cấp này (giai cấp công nhân), tất cả các giai cấp khác chỉ hợp thành một khối phản động".
Trong "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", có nói:
"Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp; giai cấp vô sản, trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp.
Ở đây, giai cấp tư sản được coi là một giai cấp cách mạng, với tư cách là kẻ đại biểu cho nền đại công nghiệp, so với bọn phong kiến và các đẳng cấp trung gian tức là những kẻ cố bám lấy tất cả những vị trí xã hội vốn là con đẻ của những phương thức sản xuất đã lỗi thời. Do đó, bọn phong kiến và các đẳng cấp trung gian không họp với giai cấp tư sản thành một khối phản động được.
Mặt khác, giai cấp vô sản là một giai cấp cách mạng so với giai cấp tư sản, bởi vì bản thân nó, tuy lớn lên trên miếng đất của đại công nghiệp, nhưng lại muốn làm cho nền sản xuất trút bỏ cái tính chất tư bản chủ nghĩa mà giai cấp tư sản đang cố duy trì vĩnh viễn. Nhưng bản "Tuyên ngôn" còn nói thêm rằng "các đẳng cấp trung gian... chỉ (trở thành) cách mạng... trong chừng mực họ thấy họ sẽ phải rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản".
Vậy theo quan điểm này, nếu cho rằng các đẳng cấp trung gian, "cùng với giai cấp tư sản", và thêm vào đó cùng với bọn phong kiến nữa, "chỉ họp thành một khối phản động" đối diện với giai cấp công nhân thì đó lại là một điều phi lý nữa.
Trong kỳ tuyển cử mới đây, người ta há chẳng đã tuyên bố với những thợ thủ công, những nhà công nghiệp nhỏ, v.v... và với nông dân rằng: đối diện với chúng tôi, các người, cùng với bọn tư sản và phong kiến, chỉ họp thành một khối phản động, đó sao?
Lassalle thuộc làu cuốn "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", cũng như các tín đồ của ông ta thuộc những thánh thư do ông ta viết ra. Sở dĩ ông ta xuyên tạc cuốn "Tuyên ngôn" một cách thô bỉ như thế thì đó chỉ là để biện hộ cho sự liên minh của ông ta với những kẻ thù chuyên chế và phong kiến chống giai cấp tư sản.
Thêm nữa, trong đoạn trên đây, câu cách ngôn khôn ngoan của ông ta đã được đưa vào một cách rất gượng ép, chẳng ăn nhập gì với câu trích dẫn đã bị sửa hỏng đi, lấy trong Điều lệ Quốc tế. Vậy, đây chỉ là một sự láo xược và thật ra là một sự láo xược tuyệt nhiên không làm cho ông Bismarck khó chịu; đây là một trong những điều thô bỉ rẻ tiền mà vị Marat thành Béc-lin vẫn thường nặn ra.
5. "Giai cấp công nhân hoạt động để giải phóng mình, trước tiên là trong khuôn khổ quốc gia dân tộc hiện nay, vì họ biết rằng kết quả tất yếu của những sự cố gắng của họ, những sự cố gắng chung của công nhân ở tất cả các nước văn minh, sẽ là tình hữu nghị quốc tế giữa các dân tộc".
Trái ngược với "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản" và trái với toàn thể chủ nghĩa xã hội trước kia, Lasalle đã đứng trên một quan điểm dân tộc hết sức hẹp hòi để xem xét phong trào công nhân. Người ta đã đi theo ông ta trong vấn đề này - mà đi theo như vậy sau khi Quốc tế đã hoạt động!
Cố nhiên là nói chung, nuốn có thể đấu tranh được thì giai cấp công nhân, với tư cách là một giai cấp, phải tự tổ chức lại ở trong nước họ, và vũ đài trực tiếp của cuộc đấu tranh của họ là ở trong nước. Chính vì thế mà cuộc đấu tranh giai cấp của họ có tính chất dân tộc, không phải về mặt nội dung của nó mà "về mặt hình thức của nó" như "Tuyên ngôn cộng sản" đã nói. Song bản thân "khuôn khổ quốc gia dân tộc hiện nay", như Đế chế Đức chẳng hạn thì về mặt kinh tế cũng lại nằm" trong khuôn khổ của thị trường thế giới" và về mặt chính trị thì lại nằm "trong khuôn khổ của hệ thống các quốc gia". Bất cứ một thương nhân nào cũng đều biết rằng thương nghiệp Đức đồng thời cũng là ngoại thương và vinh quang của ông Bismarck chính là nằm ở trong loại chính sách quốc tế của ông ta.
Còn Đảng công nhân Đức thì thu hẹp chủ nghĩa quốc tế của họ lại thành cái gì ? Thành sự nhận thức rằng kết quả của những sự cố gắng của họ "sẽ là tính hữu nghị quốc tế giữa các dân tộc", - một câu mượn của cái tổ chức tư sản Liên đoàn vì hoà bình tự do, - mà người ta cho là phải được coi tương đương như tính hữu nghị quốc tế của giai cấp công nhân các nước tron cuộc đấu tranh chung của họ chống các giai cấp thống trị và các chính phủ của chúng. Còn những chức năng quốc tế của giai cấp công nhân Đức thì không có một lời nào nói tới ! Và giai cấp công nhân Đức phải chống lại giai cấp tư sản trong nước - tức là giai cấp đã liên kết với bọn tư sản ở tất cả các nước khác để chống lại họ - cũng như chống lại chính sách âm mưu quốc tế của ông Bismarck như vậy đó !
Thật ra, quan điểm quốc tế của bản cương lĩnh còn vô cùng thấp hơn quan điểm quốc tế của phái mậu dịch tự do. Phái này cũng khẳng định rằng kết quả của những cố gắng của họ sẽ là "tình hữu nghị quốc tế giữa các dân tộc". Nhưng họ cũng đã làm một cái gì đó để cho thương nghiệp trở thành quốc tế và không hề thoả mãn khi biết rằng mọi dân tộc đều tiến hành buôn bán trong nước họ.
Hoạt động quốc tế của giai cấp công nhân các nước tuyệt nhiên không tuỳ thuộc ở sự tồn tại của "Hội liên hiệp lao động quốc tế". Hội này chỉ là mưu toan đầu tiên để đem lại cho hoạt động quốc tế một cơ quan trung ương, một mưu toan đã để lại kết quả không thể xoá nhoà được vì sức thúc đẩy của nó, nhưng dưới cái dạng lịch sử đầu tiên của nó sau khi Công xã Pa-ri thất bại thì nó không thể tiếp tục lâu hơn nữa.
Tờ "Norddeutsche" của Bismarck hoàn toàn có lý, khi nó báo tin - thật là vừa lòng ông chủ của nó - rằng bản cương lĩnh mới của Đảng công nhân Đức đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế.