K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH-XXXVIII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1858, ngày 26 tháng Giêng 1871

Chiến tranh lại bước vào một thời kỳ gay go, thời kỳ này có thể gay go theo toàn bộ ý nghĩa của từ đó. Từ khi ở Pa-ri chính phủ quy đinh mức cung cấp bánh mì, như chúng ta đã biết, thì không thể nghi ngờ gì nữa rằng bước đầu của sự kết thúc đã tới. Đề nghị đầu hàng sẽ tiếp theo bước đó nhanh đến mức nào - đó là vấn đề thứ yếu. Như vậy, chúng ta giả định rằng một đạo quân bị bao vây 500.000 người vũ trang sẽ phải đầu hàng 220.000 quân bao vây với bất kỳ những điều kiện nào mà những người bao vây tùy ý đưa ra. Có thể thực hiện điều đó mà không có một cuộc chiến đấu mới hay không, sau này chúng ta sẽ thấy, nhưng dầu sao thì không một cuộc đấu tranh nào sẽ có thể làm thay đổi một cách căn bản tình hình. Pa-ri có giữ được 2 tuần nữa hay không, mấy bộ phận của 500.000 người có vũ trang đó có mở được cho mình con đường đi qua tuyến bao vây hay không,- điều đó sẽ không ảnh hưởng lớn đến tiến trình sau này của chiến tranh.

Chúng tôi cho rằng tướng Tơ-rô-suy phải chịu trách nhiệm chính về những kết quả đó của cuộc bao vây. Dĩ nhiên ông ta tỏ ra không đủ sức xây dựng một đạo quân từ cái chất liệu rõ ràng là ưu việt nằm dưới quyền chi phối của ông ta. Ông ta có gần 5 tháng để đào tạo người của ông ta thành những người lính; nhưng vào cuối thời kỳ bao vây, hình như họ chiến đấu cũng không tốt gì hơn buổi đầu bao vây. Lần phá vây cuối từ Va-lê-ri-en[126] đã được thực hiện một cách còn xa mới kiên quyết như lần phá vây qua sông Mác-nơ; trong lần phá vây cuối, hình như có rất nhiều kịch tính và rất ít cuồng nộ của sự tuyệt vọng. Nói rằng những quân đội đó không thể sử dụng được để tấn công những công sự do những người lính Đức được thử thách trong chiến đấu bảo vệ, thì không đủ. Nhưng tại sao họ lại không thể sử dụng được? Năm tháng là một kỳ hạn đủ để biến những con người do Tơ-rô-suy chỉ huy thành những người lính không tồi lắm; hơn nữa, sự bao vây một trại bố phòng lớn tạo ra những điều kiện thích hợp nhất cho mục đích ấy. Không nghi ngờ gì nữa, sau những trận phá vây trong tháng Mười một và tháng Chạp, người ta đã mất tinh thần; nhưng điều đó xảy ra là vì họ tin vào sự hơn hẳn của kẻ địch, hay là vì họ hoàn toàn không còn tin vào sự kiên quyết tiến hành chiến đấu đến cùng- không có thực- của Tơ-rô-suy? Tất cả những tin từ Pa-ri đều nhất trí cho rằng sở dĩ không thành công là do binh lính không tin vào bộ chi huy tối cao. Và điều đó là đúng. Chúng ta không được quên rằng Tơ-rô-suy là người thuộc phái Oóc-lê-ăng, và với tư cách là như vậy thỉ ông ta sợ hãi đến chết người trước La-vi-lét, Ben-vin và những khu phố "cách mạng" khác của Pa-ri. Ông ta sợ những khu phố ấy nhiều hơn là sợ quân Phổ. Điều đó không phải chỉ đơn thuần là sự giả định hay sự suy đoán của chúng tôi. Từ một nguồn tin chắc chắn, chúng tôi đã biết về bức thư do một ủy viên trong chính phủ[1*] gửi đi, trong đó nói rằng, từ mọi phía người ta đã đòi Tơ-rô-suy phải tấn công một cách kiên quyết, nhưng ông này nhất mực từ chối việc đó, nói rằng cách hoạt động như thế sẽ có thể trao Pa-ri vào trong tay "những kẻ mị dân".

Như vậy, việc Pa-ri thất thủ bây giờ hầu như không còn nghi ngờ gì nữa. Trực tiếp sau trận Xanh-căng-tanh, Lơ-măng và Ê-ri-cua, điều đó sẽ là một đòn nặng nề đối với dân tộc Pháp, và tác động tinh thần của nó trong hoàn cảnh như vậy sẽ rất lớn. Thêm nữa, những sự kiện đang đến gần ở miền Đông-nam có thể đem lại cho đòn ấy một sức mạnh ghê gớm về mặt tinh thần. Buốc-ba-ki rõ ràng đang nấn ná ở vùng ngoại ô Ben-pho quá lâu, và điều đó làm cho người ta có ý nghĩ là ông ta hoàn toàn không hiểu được tình thế của mình. Ngày 24 quân đoàn 24 dưới sự chỉ huy của Brét-xô-lơ còn đang nằm tại Bla-mông, quá phía nam Mông-be-li-ác khoảng 12 dặm, ngay ở biên giới Thụy Sĩ; và dù đó chỉ là đội hậu vệ của Buốc-ba-ki, thì người ta cũng vẫn không thể tính rằng hai quân đoàn khác của ông ta đang ở cách xa nơi đó. Trong lúc đó, chúng ta biết rằng ngay từ ngày 21 những đơn vị quân Phổ đã cắt đứt con đường sắt giữa Bơ-dăng-xông và Đi-giông tại Đô-lơ, rằng sau đó chúng chiếm Xanh-vi, một nhà ga khác cũng trên con đường ấy, gần Bơ-dăng-xông như vậy, chúng đã giới hạn con đường rút lui của Buốc-ba-ki về Li-ông trong một dài hẹp giữa con sông Đu và biên giới Thụy SI, một vùng đất có những dãy núi và những thung lũng chạy dọc song song với nhau, ở đấy những lực lượng tương đối không lớn lắm có thể tìm được đủ những vị trí mà tại đấy họ có thể ngăn chặn được sự rút lui của một đạo quân như đạo quân của Buốc-ba-ki. Chúng tôi cho rằng những đơn vị đó ở Đu là sư đoàn 13 thuộc quân đoàn 7 của Sa-xtơ-rốp, hay có thể là một phần của quân đoàn 2 của Phran-de-xki là quân đoàn đã xuất hiện ở Đi-giông ngày 23; trung đoàn 60 - cùng với trung đoàn 21 thì hợp thành lữ đoàn 8 (hay lữ đoàn 4 thuộc quân đoàn 2)- đã bị Ga-ri-ban-đi đánh bật ra tại thành phố này và đã mất lá cờ của nó. Vì Ga-ri-ban-đi có không quá 15.000 người nên ông ta sẽ không thể giữ được thành phố ấy chống lại những lực lượng đông hơn lúc đó chắc chắn là đang đến gần. Ông ta sẽ bị đánh hất lại phía sau, và sự tiến quân của quân Phổ sẽ tiếp tục đến sông Đu và xa hơn nữa. Nếu trong khoảng thời gian đó Buốc-ba-ki không kiên quyết đưa quân đội của mình thì cùng với đạo quân của ông ta, ông ta có nguy cơ bị đẩy hoặc giả vào thành Bơ-dăng-xông để một lần nữa lặp lại câu chuyện thành Mét-xơ, hoặc giả vào một xó nào đó của dãy núi Giuy-ra giáp với lãnh thổ Thụy Sĩ, và sẽ bị buộc phải hạ vũ khí ở phía bên này hay bên kia biên giới[127]. Còn nếu ông ta đi lọt được cùng với phần lớn quân đội của mình, thì hầu như chắc chắn rằng ông ta sẽ phải hy sinh một số lớn binh lính còn lại, nhiều xe vận tải, và có thể là cả pháo binh nữa.

Sau trận chiến đấu 3 ngày ở Ê-ri-cua, Buốc-ba-ki không nên ở lại thêm một ngày nào nữa tại vị trí nguy hiểm gần biên giới đó, khi những đơn vị viện binh của quân Phổ đã tiến về phía những con đường liên lạc của ông ta. Những mưu toan của ông ta định giải phóng Ben-pho đã thất bại, mọi khả năng tiếp tục tiến lên theo hướng đó đều không còn nữa; tình thế của ông ta ngày càng trở nên nguy hiểm, và chỉ có rút lui nhanh chóng thì mới có thể thoát thân được mà thôi. Nhưng theo tất cả các tin thì ông ta đã coi khinh cả việc đó, và nếu sự thiếu thận trọng của ông ta dẫn đến một Xê-đăng thứ hai thì điều đó sẽ đánh một đòn có thể rất tai hại về mặt tinh thần vào nhân dân Pháp.

Chúng tôi nói về mặt tinh thần, bởi vì về mặt vật chất thì đòn đó có thể không như vậy. Mặc dầu nước Đức tất nhiên còn chưa kiệt sức như Gam-béc-ta nói, nhưng dù sao chính vào lúc này nó đang hoạt động với những lực lượng lớn hơn nhiều - xét về mặt tuyệt đối và tương đối- so với những lực lượng mà nó có thể đưa ra trong những tháng đến. Sau một thời gian nào đó, lực lượng của người Đức sẽ phải giảm bớt, trong lúc đó thì không có gì cản trở những lực lượng của người Pháp tăng lên trở lại, ngay cả sau khi đạo quân đồn trú Pa-ri và đạo quân của Buốc-ba-ki đầu hàng, nếu như sự việc phát triển tới mức đó. Rõ ràng là bản thân quân Phổ đã từ bỏ mọi hy vọng về việc họ có thể chinh phục và chiếm toàn bộ nước Pháp, và chừng nào vùng lãnh thổ rộng lớn liền một giải ở miền Nam vẫn còn tự do, chừng nào sự đề kháng thụ động và khi có cơ hội thì tích cực nữa (ví dụ như đánh sập cầu trên sông Mô-den, gần Tun), vẫn không chấm dứt ở miền Bắc, thì chúng tôi không thấy có những lý do nào có thể bắt nước Pháp phải đầu hàng, nếu như nó không quá mệt mỏi vì chiến tranh.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. Gi.Pha-vrơ; xem tập này tr.651.