K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


SỰ HƯNG THỊNH VÀ SUY VONG CỦA CÁC QUÂN ĐỘI

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1740, ngày 10 tháng Chín 1870

Khi Lui Na-pô-lê-ông dựng lên một đế chế "có nghĩa là hòa bình"[56], bằng cách dựa vào những lá phiếu của nông dân và lưỡi lê của con cháu họ- tức là của những binh lính trong quân đội, thì quân đội đó không chiếm một vị trí đặc biệt xuất sắc ở châu âu trừ phi chỉ là nhờ truyền thống. Từ năm 1815 hòa bình đã đến - một nền hòa bình bị vi phạm bởi những sự kiện năm 1848 và 1849 đối với một số quân đội. Quân Áo đã tiến hành một chiến dịch thắng lợi ở I-ta-li-a và một chiến dịch không thành công ở Hung cả Nga ở Hung, lẫn Phổ ở miền Nam nước Đức đều đã không thu được những vòng nguyệt quế nào đáng được ghi nhớ[57]; nước Nga không ngừng tiến hành chiến tranh ở Cáp-ca-dơ, còn nước Pháp- thì ở An-giê-ri. Nhưng từ năm 1815, các quân đội lớn không một lần nào gặp nhau trên chiến trường. Lu-i-phi-líp đã để lại sau ông ta một quân đội Pháp hoàn toàn không có khả năng chiến đấu; thực ra, những đơn vị quân đội ở An-giê-ri, những đơn vị được ông ta đặc biệt yêu quý, được thành lập phần lớn là để tiến hành các cuộc chiến tranh ở châu Phi - tức là những chasseurs à pied[1*] lính du-a-vơ, lính tuyếc-cô, linh chasseurs d'Afrique[2*] cưỡi ngựa, - đã được người ta chú ý nhiều, nhưng đại bộ phận bộ binh, kỵ binh và bộ phận vật tư của quân đội ở Pháp lại bị hoàn toàn coi rẻ. Chế độ cộng hòa đã không cải thiện được tình trạng quân đội. Nhưng đế chế đã xuất hiện, nó có nghĩa là hòa bình, và "si vis pacem, pa ra bellum"[3*]- nên quân đội liền lập tức trở thành trung tâm sự chú ý của đế chế. Hồi bấy giờ Pháp có một số lượng lớn các sĩ quan tương đối trẻ, giữ những chức vụ cao ở châu Phi, khi mà ở đó còn diễn ra những trận chiến đấu quan trọng. Những đơn vị đặc biệt của Pháp ở An-giê-ri rõ ràng đã là những đơn vị tinh nhuệ nhất châu Âu. Do bao gồm đông đảo những kẻ thay thế cho những người được gọi nhập ngũ[58], các đơn vị ấy có được một số lượng lính nhà nghề, những cựu binh thực sự, đã qua chiến đấu, lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ một cường quốc nào khác ở lục địa. Chỉ còn cần nâng - trong mức độ có thể- đại bộ phận của quân đội lên trình độ các đơn vị đặc biệt mà thôi. Và điều đó trên một mức độ lớn đã được thực hiện. "Pas gymnastique" ("bước chạy" của người Anh) trước đó chỉ áp dụng trong những đơn vị đặc biệt ấy thôi thì nay được áp dụng trong toàn thể bộ binh, và như vậy là người ta đã đạt tới một tốc độ vận động nhanh chóng chưa từng thấy trong các quân đội từ trước tới nay. Trong chừng mực có thể, kỵ binh được cung cấp những con ngựa tốt nhất; bộ phận vật tư của toàn bộ quân đội được kiểm tra lại và được bổ sung. Và cuối cùng, cuộc Chiến tranh Crưm bắt đầu. Tổ chức của quân đội Pháp tỏ ra có những ưu thế lớn so với quân đội Anh; do tỷ lệ về số lượng của các quân đội đồng minh nên dĩ nhiên phần lớn sự vinh quang - dầu nó là như thế nào những nữa- đã rơi vào người Pháp; bản thân tính chất của một cuộc chiến tranh trong đó công cuộc bao vây một thành lũy lớn hoàn toàn chiếm vị trí trung tâm, đã chứng minh những năng lực toán học kiệt xuất vốn có của người Pháp - do những công trình sư quân sự của họ biểu hiện - dưới một ánh sáng tốt nhất. Kết quả là cuộc Chiến tranh Crưm lại nâng quân đội Pháp lên địa vị một quân đội hàng đầu ở châu Âu.

Sau đó đến thời kỳ của súng trường và đại bác có nòng xẻ rãnh. Tính ưu việt không gì so sánh được của hỏa lực súng có nòng xẻ rãnh so với hỏa lực của súng có nòng trơn đã dẫn đến chỗ loại bỏ những súng này, và trong một vài trường hợp, đã dẫn tới chỗ cải tổ chúng, nói chung, thành súng có nòng xẻ rãnh. Ở Phổ, những súng cũ đã được sửa lại thành súng trường trong chưa đầy một năm; nước Anh dần dần trang bị cho toàn thể bộ binh bằng súng trường En-phin, còn Áo thì trang bị bằng những súng trường tuyệt vời cỡ nhỏ (của Lô-ren-xơ). Chỉ có một mình nước Pháp là duy trì những súng có nòng trơn cũ, còn súng trường vẫn chỉ được dành cho những đơn vị đặc biệt như trước đây. Trong khi đại bộ phận pháo binh Pháp vẫn bảo tồn những đại bác ngắn nòng 12 pao, - đó là một phát minh mà hoàng đế rất thích, nhưng nó kém hiệu lực hơn so với pháo binh trước kia do trọng lượng của đạn nhẹ hơn, - thì người ta đã lập một số đơn vị đại bác 4 pao có nòng xẻ rãnh, được chuẩn bị sẵn sàng phòng khi chiến tranh nổ ra. Cấu tạo của chúng không hoàn thiện, bởi vì ngay từ đầu thế kỷ XV đó là những đại bác đầu tiên có nòng xẻ rãnh; nhưng về hiệu lực của chúng thì chúng vượt xa bất kỳ những đại bác dã chiến nòng trơn nào đang tồn tại hồi bấy giờ.

Tình hình là như thế khi cuộc chiến tranh ở I-ta-li-a nổ ra[59]. Quân đội âo hoạt động nhưng không có những cố gắng quan trọng; quân đội đó ít khi có khả năng thực hiện một sự nỗ lực bền bỉ đạc biệt; về thực chất, đó là một quân đội rất lớn về mặt số lượng, nhưng không thể là một cái gì hơn thế. Trong số những người chỉ huy quân đội đó có một vài người ưu tú và rất nhiều tướng tồi nhất thời bấy giờ. Phần lớn những tướng lĩnh này đã được đưa lên những chức vụ chỉ huy cao nhờ ảnh hưởng trong triều đình. Những sự thất bại của các tướng Áo, sự tham vọng lớn hơn của người lính Pháp đã đem lại cho quân đội Pháp một thắng lợi giành được một cách khó khăn. Mát-gien-ta không đem lại những chiến tích nào cả; Xôn-phê-ri-nô chỉ đem lại một chút ít; và do những nguyên nhân chính trị, màn đã hạ trước khi những khó khăn thực sự của chiến tranh xuất hiện trên vũ đài - đó là cuộc chiến đấu giành khu pháo đài bốn góc.

Sau chiến dịch đó quân đội Pháp là quân đội kiểu mẫu ở châu Âu. Nếu như sau cuộc Chiến tranh Crưm, người lính chasseur-à-pied của Pháp trở thành "beau idéal"[4*] của người lính bộ binh, thì giờ đây sự khâm phục đó được mở rộng đối với toàn thể quân đội Pháp. Người ta nghiên cứu tổ chức của nó; những trại lính của nó trở thành những trường huấn luyện cho sĩ quan của tất cả các nước. Hầu như toàn thể châu Âu tin chắc quân đội Pháp là vô địch. Đồng thời, nước Pháp đã sửa lại tất cả những súng cũ có nòng trơn của nó thành súng có nòng xẻ rãnh và đã trang bị đại bác có nòng xẻ rãnh cho toàn bộ pháo binh của nó.

Nhưng cũng chính cái chiến dịch đã đưa quân đội Pháp lên địa vị hàng đầu ở châu âu, lại gây nên một hoạt động mạnh mẽ dẫn đến kết quả là thoạt tiên đối thủ của nó xuất hiện, rồi sau đó là kẻ chiến thắng nó. Từ năm 1815 đến năm 1850, quân đội Phổ cũng bị hoen gỉ vì không hoạt động, giống như tất cả các quân đội khác của châu Âu. Nhưng lớp gỉ đó của thời bình đã đem lại cho bộ máy chiến tranh của Phổ một sự tai hại lớn hơn là ở bất cứ nơi nào khác. Theo hệ thống của Phổ hồi bấy giờ thì trong mỗi lữ đoàn đều kết hợp một trung đoàn chủ lực và một trung đoàn quân lan-ve; như vậy khi động viên người ta phải xây dựng mới một nửa các đơn vị dã chiến. Bộ phận vật tư và tài sản cho các đơn vị chủ lực và lan-ve tỏ ra hoàn toàn không đủ; trong số những người có trách nhiệm, những vụ ăn cấp vặt rất phổ biến. Nói chung, năm 1850 khi cuộc xung đột với Áo buộc Phổ phải tiến hành động viên, thì toàn bộ bệ thống quân sự bộc lộ tính chất hoàn toàn vô căn cứ của nó và Phổ đã phải đi qua "cửa ải Cáp-đin"[60]. Bằng cái giá những chi phí lớn, toàn bộ bộ phận vật tư lập tức được thay thế, còn toàn bộ tổ chức của quân đội thì được xét lại nhưng điều đó chỉ đụng đến những chi tiết mà thôi. Năm 1859, khi chiến tranh ở I-ta-li-a gây ra một cuộc động viên mới, thì bộ phận vật tư và tài sản quân sự đã ở trong một trạng thái khá hơn, tuy rằng ngay cả hồi đó số lượng cũng vẫn còn chưa đủ; còn quân đội lan-ve- mà tinh thần rất cao trong trường hợp chiến tranh dân tộc- thì lại tỏ ra hoàn toàn không thể điều khiển được trong thời gian cuộc thị uy quân sự có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh với nước này hay nước kia trong số những nước tham chiến. Người ta đã quyết định cải tổ quân đội.

Do cuộc cải tổ đó, được tiến hành đằng sau lưng quốc hội, tất cả 32 trung đoàn bộ binh lan-ve đã được để lại trong quân ngũ, hàng ngũ của họ dần dần được bổ sung nhờ các cuộc tuyển quân tăng lên, và cuối cùng, những trung đoàn ấy lại được tổ chức lại thành những trung đoàn chủ lực, mà số lượng đã tăng từ 40 lên tới 72 trung đoàn. Số lượng pháo binh đã được tăng lên một cách tương ứng, số lượng kỵ binh cũng vậy nhưng với một mức độ ít hơn nhiều. Sự tăng lên đó của quân đội gần tỷ lệ với sự tăng dân số của Phổ từ năm 1815 đến năm 1860 từ 10,5 lên tới 18,5 triệu. Bất chấp sự đối lập của Đệ nhị viện[61], việc cải tổ trên thực tế vẫn có hiệu lực. Ngoài ra, quân đội đã trở thành có khả năng chiến đấu hơn về tất cả mọi phương diện. Đó là quân đội đầu tiên trong đó toàn thể bộ binh đều được trang bị bằng súng trường. Súng kim hỏa lên đạn bằng bộ quy lát, trước đây chỉ trang bị cho một bộ phận nhỏ bộ binh, thì giờ đây được dùng trong tất cả các đơn vị bộ binh; hơn nữa người ta còn chuẩn bị một kho dự trữ những súng ấy. Những thí nghiệm về đại bác có nòng xẻ rãnh, được tiến hành trong mấy năm, đã hoàn thành, và những mẫu được thừa nhận đã dần dần thay thế những đại bác có nòng trơn. việc huấn luyện thao diễn quá mức, thừa hưởng được của lão đồ gàn Phri-đrích-vin-hem III, ngày càng nhường chỗ cho một hệ thống đào tạo tốt hơn, - hệ thống này chủ yếu gồm việc huấn luyện công tác cảnh giới, - và hoạt động theo đội hình phân tán, hơn nữa trong cả hai trường hợp, trên một mức độ lớn, các đơn vị quân đội Pháp ở An-giê-ri được coi là mẫu mực. Đối với những tiểu đoàn hoạt động riêng rẽ thì đại đội được lấy làm tổ chức chiến đấu cơ bản. Người ta chú ý rất nhiều đến việc bắn bia, hơn nữa lại đạt được những kết quả tuyệt vời. Kỵ binh cũng được cải tiến rất nhiều. Trong nhiều năm người ta chú ý một cách nghiêm túc đến ngành chăn nuôi ngựa, đặc biệt là ở Đông Phổ, nổi tiếng với ngành chăn nuôi ngựa phát triển của nó; người ta thực hiện một cách rộng rãi việc lai với những giống ngựa Ả Rập, và kết quả của công việc đó bây giờ bắt đầu thể hiện rõ. Ngựa của Đông Phố, tuy về tầm vóc và tốc độ thì thua ngựa của kỵ binh Anh, nhưng lại vượt xa ngựa của kỵ binh Anh về mặt là ngựa chiến và bền sức hơn 5 lần trong hoàn cảnh dã chiến. Việc bồi dưỡng nghề nghiệp cho các sĩ quan, trong một thời gian dài hoàn toàn bị coi khinh, lại được nâng lên tới mức cần thiết, khá cao, và tất cả quân đội Phổ xét về toàn bộ đã hoàn toàn thay đổi. Cuộc chiến tranh Đan Mạch[62] cũng đã đủ để chứng minh cho tất cả những ai có thể hiểu được, rằng sự thể chính là như vậy; nhưng điều đó đã diễn ra mà mọi người vẫn không nhận thấy. Lúc đó tiếng sấm năm 1866 nổ ra ra người ta không thể không hiểu điều đó được nữa rồi. Sau sự việc này, hệ thống của Phổ đã được áp dụng cho quân đội Bắc Đức, và trên những nét lớn, cũng được áp dụng cho quân đội của các quốc gia ở miền Nam nước Đức; những kết quả đã chứng tỏ rằng áp dụng hệ thống đó dễ dàng như thế nào. Sau đó là năm 1870.

Nhưng năm 1870, quân Pháp không còn là quân đội Pháp năm 1859 nữa. Tệ ăn cắp của quốc khố, việc lợi dụng chức vụ để kiếm lợi, việc lạm dụng địa vị xã hội một cách phổ biến cho những lợi ích cá nhân- tất cả những cái làm cơ sở chủ yếu cho chế độ Đế chế thứ hai, cũng lan sang cả quân đội. Nếu Ô-xman và bè lũ của hắn đã kiếm được hàng triệu trong vụ đầu cơ lớn ở Pa-ri[63], nếu như tất cả các cơ quan phụ trách các công việc công cộng, nếu như mỗi một bản hợp đồng do chính phủ ký kết, mỗi một chức vụ dân sự, đều biến thành một thủ đoạn cướp bóc nhân dân một cách công khai và trắng trợn, thì một mình quân đội - một quân đội mà Lu-i-na-pô-lê-ông đã phải chịu ơn về tất cả mọi phương diện, một quân đội được điều khiển bởi những người cũng thèm khát làm giàu như những kẻ thực khách trong những triều thần dân sự may mắn hơn- làm sao có thể giữ đạo đức được? và khi mà người ta biết rằng chính phủ tuy có nhận tiền để trả cho những người thay thế, nhưng lại thường không thuê họ,- một sự kiện mà chắc chắn mỗi một sĩ quan tại ngũ đều biết rõ; khi mà bắt đầu có những vụ ăn cắp khác đối với tài sàn cửa quân đội, v v. nhằm mục đích lập những quỹ mà nội các quân sự bí mật nộp cho hoàng đế, khi mà do những điều đó, ở những chức vụ cao nhất trong quân đội sẽ chỉ còn lại những nhân vật được biết điều bí mật ấy, và vì vậy mà không thể bãi miễn họ được, dầu họ có làm gì chăng nữa và dầu họ có coi thường những trách nhiệm của họ đến đâu chăng nữa, - thì khi đó việc mất tinh thần sẽ lan ra đến cả những sĩ quan tại ngũ. Chúng tôi hoàn toàn không khẳng định rằng, việc ăn cắp các phương tiện công cộng là một hiện tượng thông thường trong bọn họ; nhưng sự khinh bỉ đối với chỉ huy của họ, thái độ coi thường nghĩa vụ phục vụ và sự sa sút kỷ luật là những hậu quả không thể tránh được. Nếu như các cấp chỉ huy được kính trọng, thì lẽ nào các sĩ quan lại dám đi xe ngựa trong thời gian hành quân- như điều đó vẫn diễn ra? Toàn bộ chế độ đã thối nát đến tận xương tủy; không khí tham nhũng trong đó Đế chế thứ hai đang sống, cuối cùng cũng đã tác động đến chỗ dựa chủ yếu của đế chế đó- quân đội; và trong giờ phút thử thách, quân đội đã không thể đưa ra được một cái gì hết để chọi lại với quân thù, trừ những truyền thống vinh quang và sự anh dũng bẩm sinh của binh lính, nhưng riêng một điều đó thì không đủ để cho quân đội vẫn có thể là một quân đội thuộc loại đứng hàng đầu.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. xạ thủ bộ binh

[2*]. bộ binh châu phi

[3*]. "nếu muốn hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh"

[4*]. lý tưởng đẹp đẽ