K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh
Những hành động mau lẹ của đạo quân thứ ba Đức ngày càng làm sáng tỏ các kế hoạch của Môn-tơ-kê. Đạo quân đó đã phải tập trung ở Pphan-xơ, vượt qua những chiếc cầu ở Man-hem và Ghéc-mơ-xhai-mơ, cũng có thể vượt qua những chiếc cầu phao quân sự nằm giữa hai thành phố này. Trước khi tiến theo những con đường dẫn từ Lan-đau và Noi-stát qua Hác -tơ đến phía tây, thì những đơn vị quân đội tập trung ở vùng thung lũng sông Ranh có thể đã được sử dụng để tấn công vào sườn phải của quân Pháp. Một cuộc tấn công như vậy, bằng những lực lượng chiếm ưu thế, khi Lan-đau nằm ngay sau lưng, hoàn toàn không bị nguy hiểm và có thể dẫn đến những kết quả lớn. Nếu như trong việc này người ta thu hút được một bộ phận lớn các đội quân của Pháp về phía thung lũng sông Ranh, tách chúng ra khỏi lực lượng chủ yếu, đánh tan chúng và hất chúng ngược lên phía Xtơ-ra-xbua theo dọc thung lũng, thì những đơn vị quân đội ấy sẽ không tham dự được vào trận tổng công kích, trong lúc đó đạo quân thứ ba của Đức, đang nằm sát những lực lượng chủ yếu của Pháp hơn, sẽ vẫn có thể tham dự vào trận tổng công kích ấy. Dầu sao, việc tấn công vào sườn phải của quân Pháp sẽ làm cho họ bị lạc hướng, nếu như hướng tấn công chủ yếu của quân Đức định nhằm vào sườn trái của quân Pháp, như chúng tôi vẫn giả định, trái với ý kiến đối lập của rất nhiều người thích bàn tán về những tin mới thuộc giới quân sự và không thuộc giới quân sự.
Cuộc tấn công bất ngờ và thành công vào Vít-xăm-buốc chứng minh rằng người Đức đã có tình báo về sự bố trí của quân Pháp, những tin này thúc đẩy họ tiến hành cuộc hành quân đó. Do chạy theo việc trà thù, quân Pháp đã hấp tấp dẫn thân vào cạm bẫy. Thống chế Mác-ma-hông liền lập tức kéo các quân đoàn của ông ta đến Vít-xăm-buốc, và như tin cho biết ông ta cần hai ngày để thực hiện cuộc hành quân đó. Nhưng thái tử không có ý định để cho ông ta có được số thời gian ấy. Thái tử đã lập tức sử dụng ưu thế của mình và ngày thứ bảy, đã tấn công quân Pháp ở gần Vuếc-thơ trên sông Xa-rơ chừng 15 dặm về phía tây - nam Vít-xăm-buốc"[24] . Mác-ma-hông chiếm một vị trí mạnh, như chính ông ta đã mô tả. Mặc dầu thế, đến 5 giờ chiều ông ta vẫn bị đánh bật ra khỏi vị trí đó, và như thái tử giả định, ông ta đã rút lui về Bi-trơ với toàn bộ lực lượng của mình. Bằng cách đó ông ta sẽ có thể tránh được số phận bị đánh hất về phía Xtơ-ra-xbua, xa trung tâm chiến sự, và sẽ giữ được những con đường liên lạc với đại quân. Nhưng qua những tin điện cuối cùng từ Pháp gửi đi, thì rõ ràng là trên thực tế ông ta đã rút lui theo hướng Năng-xi và bộ tham mưu của ông ta hiện đang ở Xa-véc-nơ.
Hai quân đoàn Pháp, được điều đi để chặn cuộc tấn công của quân Đức, gồm 7 sư đoàn bộ binh, trong đó ít ra cũng có 5 sư đoàn đã tham gia chiến đấu như chúng tôi giả định. Có thể là, trong thời gian trận đánh đang diễn ra, tất cả những sư đoàn đó cũng đã lần lượt đến kịp, nhưng họ không thể khôi phục lại thế quân bình, cũng giống như các lữ đoàn Áo nối tiếp nhau xuất hiện ở chiến trường tại Mát-gien-ta"[25] đã không thể làm được điều đó. Dầu sao, chúng ta cũng có thể tin chắc rằng, tại đây, từ 1/5 đến 1/4 lực lượng của Pháp đã bị đánh tan. Về phía Đức tham gia trận đánh chắc chắn là cũng vẫn những quân đội mà đơn vị tiên phong đã chiếm được Vít-xăm-buốc, cụ thể là quân đoàn số 2 của Ba-vi-e, các quân đoàn số 5 và 11 của Bấc Đức. Trong số đó, quân đoàn số 5 gồm 2 trung đoàn của Pô-dơ-nan, 5 trung đoàn của Xi-lê-di và 1 của Ve-xtơ-pha-li, còn quân đoàn số 11 thì gồm có 1 trung đoàn của Pô-mê-ra-ni, 4 trung đoàn của Hét-xen-cát-xen và của Nát-lau, và 3 trung đoàn của Thuy-rinh-ghen; như vậy, tham gia vào các trận chiến đấu có những đơn vị của những vùng rất khác nhau của nước Đức.
Trong những hoạt động quân sự ấy, điều làm cho chúng ta ngạc nhiên hơn cả là vai trò chiến lược và chiến thuật của mỗi quân đội. Vai trò của chúng ngược hẳn lại với điều mà theo truyền thống người ta có thể mong đợi. Quân Đức tấn công, quân Pháp phòng ngự. Quân Đức hành động ào ạt và với những khối lớn mà họ điều khiển dễ dàng, còn bản thân quân Pháp thì thừa nhận rằng sau hai tuần tập trung, các đơn vị quân đội của họ vẫn còn phân tán đến mức phải cần hai ngày để tập hợp 2 quân đoàn lại với nhau. Kết quả là họ đã bị đánh tan từng bộ phận một. Xét theo cách quân Pháp điều động các đơn vị của họ, thì người ta có thể tưởng họ là quân Áo. Giải thích điều đó như thế nào? Điều đó nhất định phải diễn ra dưới chế độ Đế chế thứ hai. Đòn đánh vào Vít xăm-buốc tỏ ra đủ để kích động toàn thể Pa-ri, và rõ ràng cũng làm xao xuyến cả quân đội nữa. Cần phải trả đũa, và người ta lập tức cử Mác-ma-hông cùng với hai quân đoàn đi thực hiện việc trả đũa ấy; đó là một bước sai lầm rõ ràng, nhưng dù sao, vẫn cần phải đi bước ấy và nó đã được thực hiện với kết quả chúng ta đã biết. Nếu không thể tăng thêm lực lượng của thống chế Mác-ma-hông đến mức để ông ta có thể địch với thái tử một lần nữa, thì vị thái tử này- bằng cách vượt qua khoảng 15 dặm xuống phía nam -sẽ có thể chiếm được con đường sắt Xtơ-ra-xbua-Năng-xi, tiến nhanh đến Năng-xi và bằng cuộc hành quân đó, sẽ có thể đi vòng qua bất kỳ một tuyến phòng thủ nào mà quân Pháp có thể hy vọng duy trì ở phía trước thành Mét-xơ. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính vì lo sợ tình hình đó xảy ra, quân Pháp buộc phải bỏ vùng Xa-rơ. Thái tử, sau khi phái đội tiên phong của mình truy kích Mác-ma-hông, cũng có thể lập tức quay về phía bên phải và vượt qua các cao điểm để tiến về Piếc-ma-den và Xvai-bruých-kên, hội quân một cách thích đáng với cánh trái của đạo quân của hoàng thân Phri-đrích-Các-lơ. Suốt thời gian đó, Phri-đích-Các-lơ vẫn ở một nơi nào đó giữa Ma-in-xơ và Xác-bruých-kên, trong lúc quân Pháp cứ một mực khẳng định rằng ông ta đang ở Tơ-ria. Sự thất bại của quân đoàn của tướng Phrốt-xa ở Phoóc-ba-khơ"[26] - mà có lẽ tiếp theo sau đó, ngày hôm qua, là sự tiến quân đến Xanh-a-vôn của quân Phổ - có ảnh hưởng như thế nào đến sự điều quân của ông ta, điều đó hiện giờ chúng ta chưa thể xác định được.
Nếu như sau trận Vít-xăm-buốc, sự thắng lợi là hoàn toàn cần thiết đối với Đế chế thứ hai, thì giờ đây, sau Vuếc-thơ và Phoóc-ba-khơ, nó lại cần đến chiến thắng hơn nhiều nữa. Nếu như trận Vít-xăm-buốc đủ để đảo lộn tất cả những kế hoạch trước đây về hành động của cánh phải, thì những trận chiến đấu diễn ra ngày thứ bảy nhất định đã làm rối loạn tất cả những biện pháp chuẩn bị cho toàn thể quân đội. Quân đội Pháp đã mất hết mọi quyền chủ động. Sự di chuyển của nó được quyết định bởi sự cần thiết về chính trị hơn là bởi những lý do quần sự. Một đạo quân 300.000 người hầu như nằm trong tầm mắt của kẻ thù. Và nếu như trong những sự chuyển quân của mình, nó không phải dựa theo những gì đang xảy ra ở phía quân thù mà dựa theo những gì đang xảy ra hoặc có thể xảy ra ở Pa-ri, thì đạo quân đó đã bị đánh tan một nửa. Dĩ nhiên, không ai có thể dự đoán chắc chắn được kết cục của trận tổng công kích nhất định sắp diễn ra gần đây nếu như hiện nay nó chưa diễn ra. Chỉ có thể nói được rằng, nếu trong một tuần lễ nữa, Na-pô-lê-ông III vẫn áp dụng cái chiến lược mà mẫu mực đã được ông ta trình bày từ ngày thứ năm"[1*] , thì chỉ riêng một điều đó cũng đủ để tiêu diệt một quân đội ưu tú nhất và lớn nhất trên thế giới.
Những bức điện của hoàng đế Na-pô-lê-ông chỉ làm tăng thêm cái ấn tượng mà những báo cáo của quân Phổ về những trận chiến đấu ấy đã gây ra. Nửa đêm thứ bảy, ông ta chỉ thông báo những sự kiện :
"Thống chế Mác-ma-hông đã thất trận. Tướng Phrốt-xa buộc phải rút lui".
Ba giờ sau, người ta nhận được tin nói rằng liên lạc giữa hoàng đế và thống chế Mác-ma-hông đã bị cắt đứt. 6 giờ sáng ngày chủ nhật, người ta thừa nhận rằng tướng Phrốt-xa đã bị đánh bại ở xa hơn nhiều, về phía tây Xác-bruých-kên, ngay tại Phoóc-ba-khơ, điều này trên thực tế đã xác nhận tính chất nghiêm trọng của trận thất bại ấy; tiếp đó, với lời tuyên bố rằng "những đơn vị quân đội bị phân tán nay đang tập họp lại ở Mét-xơ", người ta đã thừa nhận không thể chặn lại ngay lập tức cuộc tấn công của quân Đức Người ta khó hiểu được bức điện sau đây :
"cuộc rút lui sẽ diễn ra một cách hoàn toàn có trật tự "(?).
Cuộc rút lui của ai ? Không phải của thống chế Mác-ma-hông, vì liên lạc với ông ta còn bị cắt đứt. Không phải của tướng Phrốt-xa, bởi vì tiếp đó hoàng đế báo tin rằng "không nhận được tin gì của tướng Phrốt-xa cả". Và nếu như vào 8 giờ 25 phút buổi sáng, hoàng đế chỉ có thể dùng thời tương lai để nói đến cuộc rút lui mà các đơn vị quân đội sẽ phải tiến hành, những đơn vị mà ông ta không biết vị trí đóng quân ở đâu, thì ta nên hiểu như thế nào ý nghĩa của bức điện gửi đi 8 giờ trước đó, trong đó ông ta tuyên bố bằng thời hiện tại rằng "cuộc rút lui đang diễn ra một cách hoàn toàn có trật tự"? Tất cả những tin tức cuối cùng đó trước sau như một đều cùng mang cái tinh thần của bản tin đầu tiên :"Tout peut se rétablir"[2*] . Thắng lợi của quân Phổ quan trọng tới mức họ không cho phép sử dụng cái chiến thuật mà hoàng đế tất nhiên ,è áp dụng. òng ta đã không thể liều lĩnh che đậy sự thật với hy vọng xóa được ấn tượng, bằng cách cùng một lúc báo tin về cuộc chiến đấu tiếp theo với một kết quả khác. Tránh đụng chạm đến lòng kiêu hãnh của nhân dân Pháp bằng cách giấu không cho họ biết hai đạo quân Pháp đã bị thất bại, là một điều không thể làm được nữa rồi, và vì thế ông ta không còn cách nào khác ngoài việc trông mong vào nguyện vọng tha thiết muốn khôi phục lại cái đã mất, nguyện vọng mà những tin tức về những tai họa giống như thế trước kia đã gây ra trong lòng người Pháp. Trong những bức điện riêng gửi hoàng hậu và các bộ trưởng, rõ ràng là ông ta đã quy định cách phát biểu công khai cho họ, hay một điều thậm chí còn chắc chắn hơn nữa là từ Mét-xơ người ta đã gửi cho họ một văn bản nguyên tác cho những lời tuyên bố tương ứng. Qua tất cả những điều đó, chúng tôi kết luận rằng, dầu tâm trạng của nhân dân Pháp như thế nào chăng nữa, thì tất cả những nhân vật cầm quyền, kể từ hoàng đế trở đi, cũng đều ở trong một trạng thái mất tinh thần đến cực độ, một điều tự bản thân nó đã hết sức đáng chú ý. Ở Pa-ri người ta thực hiện giới nghiêm- một dấu hiệu không thể tranh cãi được về những điều có thể xảy ra tiếp sau thắng lợi mới của quân Phổ, còn lời kêu gọi của nội các thì kết thúc bằng những lời sau đây :
"chúng ta sẽ kiên trì chiến đấu: và tổ quốc sẽ được cứu nguy".
Cứu nguy ! Có lẽ người Pháp có thể tự hỏi: cứu nguy khỏi cái gì ? Khỏi sự xâm nhập mà quân Phổ đã tiến hành để ngăn chặn sự xâm nhập của Pháp vào nước Đức. Nếu như quân Phổ bị đánh tan và một lời kêu gọi như thế vang lên từ Béc-lin thì ý nghĩa của nó sẽ rõ ràng, bởi vì mỗi một thắng lợi mới của quân đội Pháp sẽ có nghĩa là một sự thôn tính mới của Pháp đối với lãnh thồ của Đức. Nhưng nếu như Chính phủ Phổ đủ khôn ngoan, thì thất bại của quân Pháp sẽ chỉ có nghĩa là mưu toan ngăn cản nước Phổ tiếp tục chính sách Đức của mình một cách suôn sẻ, đã bị thất bại, và khó lòng tin rằng việc động viên en masse"[3*] (vấn đề này đang được các bộ trưởng Pháp thảo luận như người 'ta loan báo) sẽ cho phép mở lại được cuộc chiến tranh tấn công.
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]
[1*]. ngày 4 tháng Tám
[2*]."Tất cả đều có thể phục hồi lại được"
[3*]. tổng động viên