Ănggen
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Trong bài báo trước, chúng tôi đã chỉ ra rằng cuộc đấu tranh giữa một bên là các chính phủ Đức với một bên là Quốc hội Phran-phuốc, cuối cùng, đã đạt tới tột đỉnh đến nỗi trong những ngày đầu tháng Năm, một phần lớn nước Đức đã công khai nổi dậy; trước hết là Đre-xđen, sau là Pphan-xơ thuộc Ba-vi-e, nhiều bộ phận của miền sông Ranh thuộc Phổ và sau cùng là Ba-đen.
Trong tất cả các trường hợp, những lực lượng chiến đấu thực sự của quân khởi nghĩa, cái hạt nhân đó, cái hạt nhân gồm những người đầu tiên cầm vũ khí và chiến đấu với quân đội, là những công nhân thành thị. Một bộ phận những tầng lớp dân cư nghèo ở nông thôn, - những cố nông và những tiểu nông, - nói chung là đi theo công nhân, sau khi cuộc xung đột đã nổ ra. Đa số thanh niên của tất cả các giai cấp ở dưới giai cấp các nhà tư bản đều đứng trong hàng ngũ của quân khởi nghĩa, ít ra cũng là trong một thời gian, nhưng cái mớ chắp nhặt hỗn tạp gồm những đám thanh niên ấy đã nhanh chóng thưa dần đi khi tình thế càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt là những sinh viên, những "đại biểu của trí tuệ", như họ thích tự xưng như vậy, lại là những kẻ đào ngũ đầu tiên, trừ phi họ ở lại vì được đề bạt lên chức vụ sĩ quan, cái chức vụ mà dĩ nhiên là hãn hữu lắm họ mới có được khả năng cần thiết để đảm đương.
Giai cấp công nhân tham gia cuộc khởi nghĩa này, cũng như nó đã tham gia bất cứ cuộc khởi nghĩa nào mang lại cho nó triển vọng hoặc là gạt bỏ được một vài trở ngại trên con đường tiến tới nắm chính quyền và tới cách mạng xã hội, hoặc ít ra là buộc được những giai cấp xã hội có thế lực hơn, nhưng ít can đảm hơn, đi vào một con đường kiên quyết hơn và cách mạng hơn con đường từ trước đến nay họ vẫn đi theo. Giai cấp công nhân cầm vũ khí với ý thức hoàn toàn rõ rệt rằng cuộc đấu tranh này, xét những mục đích trực tiếp của nó, không phải là cuộc đấu tranh của mình; nhưng giai cấp công nhân tuân theo cái sách lược duy nhất đúng đắn của mình là: nó không cho phép bất cứ một giai cấp nào đã trèo lên vai mình (như giai cấp tư sản, vào năm 1848 đã làm), củng cố quyền thống trị giai cấp của nó, mà ít ra không mở ra cho giai cấp công nhân một địa bàn hoạt động thích đáng cho phép đấu tranh vì lợi ích của bản thân họ; và trong bất cứ trường hợp nào, giai cấp công nhân cũng cố gắng đẩy tình thế đi đến một cuộc khủng hoảng, cuộc khủng hoảng đó, hoặc là sẽ lôi cuốn dân tộc một cách kiên quyết và trực tiếp đi vào con đường cách mạng, hoặc là khôi phục lại hết sức đầy đủ cái status quo hồi trước cách mạng và do đó làm cho một cuộc cách mạng mới tất phải nổ ra. Trong cả hai trường hợp, giai cấp công nhân đều đại biểu cho lợi ích chân chính và đúng đắn của toàn thể dân tộc: nó ra sức thúc đẩy tiến trình cách mạng, cuộc cách mạng từ nay đã trở thành một tất yếu lịch sử đối với các xã hội cũ của châu âu văn minh, và nếu không có cuộc cách mạng ấy thì không một xã hội nào lại có thể hy vọng tiếp tục phát triển được lực lượng của mình một cách yên tĩnh và đều đặn hơn.
Còn những người dân ở nông thôn tham gia cuộc khởi nghĩa, thì chủ yếu là họ bị gánh khá nặng những thuế má hoặc bị cái gánh nặng những đảm phụ phong kiến đẩy vào tay đảng cách mạng. Không có tính chủ động riêng của mình, họ hợp thành một bộ phận phụ thuộc vào các giai cấp khác trong cuộc khởi nghĩa, họ ngả nghiêng giữa một bên là giai cấp công nhân và một bên là giai cấp những người tiểu thủ công và tiểu thương. Hầu như bao giờ cũng vậy, chính địa vị xã hội đặc biệt của họ đã quyết định con đường họ đi theo. Người công nhân nông nghiệp, nói chung ủng hộ giai cấp công nhân thành thị; người tiểu nông có khuynh hướng liên minh với người tiểu tư sản.
Giai cấp những người tiểu tư sản ấy, mà nhiều lần chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó, có thể được coi là giai cấp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng Năm 1849. Vì lần này, không có một thành phố lớn nào của Đức là trung tâm của phong trào cách mạng, cho nên giai cấp tiểu tư sản luôn luôn chiếm ưu thế trong những thành phố vừa và nhỏ, đã nắm được quyền lãnh đạo phong trào. Vả lại, chúng ta đã thấy rằng cuộc đấu tranh cho hiến pháp của đế chế và cho quyền hạn của nghị viện Đức, chính là có liên quan đến lợi ích của giai cấp ấy. Trong các chính phủ lâm thời thành lập ở tất cả các địa phương khởi nghĩa, đại biểu của tầng lớp ấy của nhân dân chiếm đa số, vì vậy xét quy mô hoạt động của họ ta có thể nhận định chung được khả năng của giai cấp tiểu tư sản Đức. Như chúng ta sẽ thấy, nó chỉ có mỗi khả năng phá hoại mọi phong trào tin cậy vào sự lãnh đạo của nó.
Giai cấp tiểu tư sản, vĩ đại về mặt khoe khoang, lại rất không có khả năng hành động và lẩn tránh một cách nhút nhát khi cần phải làm một cái gì nguy hiểm. Tính chất nhỏ nhen của những việc giao dịch buôn bán và những hoạt động tín dụng của nó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách riêng của nó khiến cho tính cách này mang dấu ấn của sự thiếu nghị lực và thiếu tinh thần tháo vát, vì vậy phải thấy trước rằng hoạt động chính trị của nó sẽ mang những đặc điểm ấy. Nên trên thực tế, giai cấp tiểu tư sản đã khuyến khích cuộc khởi nghĩa bằng những lời lẽ trống rỗng và những lời huênh hoang về những điều nó quyết định làm; khi hoàn toàn trái với ý muốn của nó, cuộc khởi nghĩa đã nổ ra, thì nó vội đoạt lấy chính quyền; nhưng nó chỉ sử dụng chính quyền đó để thủ tiêu những kết quả của khởi nghĩa. ở bất cứ nơi nào mà một cuộc xung đột vũ trang đã đưa tình hình đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thì bọn tiểu tư sản đều khiếp sợ tình hình nguy hiểm đối với chúng; khiếp sợ thấy dân chúng coi trọng những lời kêu gọi chiến đấu huênh hoang của chúng, khiếp sợ thấy chính quyền rơi vào chính tay mình; và khiếp sợ nhất trước những hậu quả của chính sách mà chúng buộc phải thi hành, - những hậu quả sẽ đem lại không những cho bản thân chúng, mà còn cho địa vị xã hội và cho tài sản của chúng. Há chẳng phải là người ta đang chờ chúng thực sự hy sinh "tính mạng và tài sản", như chúng thường quen nói, cho sự nghiệp khởi nghĩa đó sao? Há chẳng phải là chúng đã bị bắt buộc phải giữ những chức vụ chính thức trong cuộc khởi nghĩa, khiến cho chúng sẽ gặp phải mối nguy mất cơ nghiệp khi khởi nghĩa thất bại, đó sao? Và nếu khởi nghĩa thành công, há chẳng chắc chắn là những người vô sản chiến thắng, tức là chủ lực của lực lượng chiến đấu của chúng, sẽ vội vàng đuổi ngay chúng ra khỏi chức vụ và đảo lộn toàn bộ chính sách của chúng đó sao? Bị kẹt giữa hai nguy cơ như vậy, bị đe dọa tứ phía, giai cấp tiểu tư sản không biết sử dụng quyền lực của nó bằng cách nào khác hơn là cứ để mặc cho tình hình phát triển tự nhiên, thành thử đương nhiên là nó làm tiêu tan cái chút ít khả năng thành công còn lại và làm cho cuộc khởi nghĩa hoàn toàn phá sản. Sách lược, hay nói cho đúng hơn là sự hoàn toàn thiếu sách lược của giai cấp tiểu tư sản thì ở nơi nào cũng giống nhau; vì thế mà những cuộc khởi nghĩa tháng Năm 1849 ở khắp nước Đức đều được rập theo một khuôn.
Ở Đre-xđen, cuộc chiến đấu ngoài đường phố kéo dài bốn ngày. Những người tiểu tư sản ở Đre-xđen, đội "cận vệ quốc gia" của thành phố không những không tham gia chiến đấu mà trong nhiều trường hợp, còn tạo thuận lợi cho hoạt động của quân đội chống quân khởi nghĩa. Một lần nữa, quân khởi nghĩa thì vẫn hầu như chỉ gồm toàn là công nhân của các khu công nghiệp xung quanh. Họ có được một người chỉ huy có khả năng và dũng cảm là một người Nga lưu vong, Mi-kha-in Ba-cu-nin, ông này, sau đó bị cầm tù và hiện nay đang bị giam ở pháo đài Mun-ca-trơ[1] ở Hung-ga-ri. Sự can thiệp của một lực lượng lớn quân đội Phổ đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa ấy.
Ở vùng Ranh thuộc Phổ, những cuộc chiến đấu thực sự thì không lớn lắm. Vì tất cả các thành phố lớn đều là những pháo đài có thành trì che chở nên hoạt động của quân khởi nghĩa chỉ giới hạn ở một vài trận nhỏ. Khi quân đội được tập hợp với một số lượng đầy đủ thì cuộc chống cự vũ trang thất bại.
Trái lại, ở Pphan-xơ và ở Ba-đen thì một tỉnh giàu có và phì nhiêu và một bang nguyên vẹn rơi vào tay quân khởi nghĩa. Ở đây, có đủ mọi thứ: tiền bạc, vũ khí, quân lính, dự trữ chiến tranh. Ngay cả những binh sĩ của quân đội chính quy cũng đi theo quân khởi nghĩa; hơn thế nữa, ở Ba-đen, họ còn đứng ở hàng đầu. Nghĩa quân ở Dắc-den và ở vùng Ranh thuộc Phổ đã hy sinh để tranh thủ thời gian cần thiết cho việc tổ chức một phong trào ở miền nam Đức. Chưa bao giờ một cuộc khởi nghĩa bộ phận ở địa phương lại ở vào một hoàn cảnh thuận lợi như cuộc khởi nghĩa này. Người ta chờ một cuộc cách mạng nổ ra ở Pa-ri; người Hung-ga-ri đã đến cửa ngõ thành Viên; trong tất cả các bang ở miền trung Đức, không những nhân dân mà cả quân đội cũng cương quyết ủng hộ khởi nghĩa và chỉ chờ cơ hội để công khai đi theo khởi nghĩa. Thế nhưng phong trào một khi rơi vào tay giai cấp tiểu tư sản, là bị thất bại ngay từ đầu. Các nhà cầm quyền tiểu tư sản, nhất là ở Ba-đen, đứng đầu là ông Bren-ta-nô, bao giờ cũng đinh ninh rằng tiếm đoạt địa vị và đặc quyền của vị chúa "hợp pháp", tức đại công tước, là phạm tội đại nghịch. Họ ngồi vào các ghế bộ trưởng của mình nhưng vẫn canh cánh trong lòng rằng như vậy là phạm tội. Người ta có thể trông mong gì ở những tên nhút nhát ấy? Không những chúng để mặc cho cuộc khởi nghĩa phát triển tự phát, không có sự lãnh đạo thống nhất và do đó không đem lại hiệu quả gì, mà thật ra chúng còn làm hết sức mình để làm nhụt nhuệ khí của phong trào, để làm cho nó yếu đi, để phá hoại nó. Và chúng đã thành công, nhờ sự ủng hộ sốt sắng của cái loại chính trị gia thâm thúy là các vị anh hùng theo phái "dân chủ" của giai cấp tiểu tư sản, bọn này đều tin tưởng chắc chắn rằng họ thực sự sẽ "cứu được Tổ quốc", trong khi họ để cho một nhúm đại bợm quỷ quyệt kiểu Bren-ta-nô xỏ mũi.
Về phần quân sự của cuộc khởi nghĩa thì chưa bao giờ các cuộc tác chiến lại được tiến hành một cách cẩu thả và ngu ngốc như dưới sự chỉ huy của Di-ghen, viên tổng tư lệnh người Ba-đen, một trung úy cũ của quân đội chính quy. Người ta đã gây hỗn độn khắp nơi, người ta để mất mọi cơ hội tốt, người ta mất những giờ phút quý báu để xây dựng những đề án đồ sộ nhưng không thực hiện được, cho đến khi cuối cùng một người Ba Lan thông minh là Mi-e-rốt-xláp-xki nắm được quyền chỉ huy thì quân đội đã hỗn loạn, bị đánh bại, mất tinh thần, thiếu tiếp tế, trước một kẻ thù đông gấp bốn lần, thành thử viên chỉ huy mới chỉ còn có cách là đánh ở Vác-hoi-den một trận oanh liệt nhưng không mang lại kết qủa thực hiện một cuộc rút lui tài tình, đánh một trận cuối cùng và tuyệt vọng ở Ra-stát rồi từ chức. Cũng như trong bất cứ một cuộc chiến tranh khởi nghĩa nào trong đó quân đội là một hỗn hợp gồm những binh sĩ thiện chiến và những tân binh không được huấn luyện thì trong quân đội cách mạng có rất nhiều biểu hiện anh dũng nhưng đồng thời cũng có rất nhiều cảnh hoảng hốt không hợp với bản chất quân đội và nhiều khi khó hiểu; nhưng mặc dầu không tránh khỏi có những thiếu sót, quân đội cách mạng ít ra cũng có quyền tự hào rằng một lực lượng đông hơn gấp bốn lần vẫn không được coi là đủ để đánh bại nó, và 10 vạn quân chính quy khi đánh với 2 vạn quân khởi nghĩa thì về mặt quân sự, cũng phải tỏ ra kính trọng quân khởi nghĩa ấy như đối với đội vệ binh già dặn của Na-pô-lê-ông.
Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra vào tháng Năm; giữa tháng Bảy 1849, nó bị đánh bại hoàn toàn và cuộc cách mạng đầu tiên của nước Đức đã kết thúc.
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]
[1] - Tên gọi bằng tiếng U-cra-i-na là Mu-ca-tre-vô