Ănggen
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức
Ngày 1 tháng Mười một, Viên thất thủ và ngày mồng 9 cũng tháng ấy, việc giải tán Quốc hội lập hiến ở Béc-lin đã chứng tỏ rằng sự biến ấy đã làm sống lại tinh thần và lực lượng của phái phản cách mạng trong toàn nước Đức đến thế nào.
Nếu kể lại những sự biến vào mùa hè năm 1848 ở Phổ thì chẳng có gì nhiều. Quốc hội lập hiến, hay nói cho đúng hơn, là "Quốc hội được bầu ra để thỏa thuận với nhà vua về một hiến pháp", và đa số của nó gồm những đại biểu của giai cấp tư sản, đã mất tín nhiệm từ lâu đối với xã hội, vì nó đã câu kết với triều đình để tiến hành mọi âm mưu, do sợ những phần tử kiên quyết hơn trong dân chúng. Nó đã xác nhận, hay nói cho đúng hơn, đã khôi phục những đặc quyền đáng ghét của chế độ phong kiến và như vậy đã phản bội lại nền tự do và lợi ích của nông dân. Nó đã tỏ ra không có khả năng xây dựng được một hiến pháp hoặc sửa đổi được một chút nào pháp chế chung. Hầu như nó chỉ chú ý tới những định nghĩa tế nhị về lý luận, những hình thức thuần túy và những vấn đề nghi thức hiến pháp. Thật ra nó là một trường học về savoir vivre[1] ở nghị trường cho các thành viên của nó, hơn là một cơ quan có thể đáp ứng được, trong một chừng mực nào đó, lợi ích của nhân dân. Ngoài ra, trong Quốc hội không có một đa số đôi chút ổn định nào, mà ưu thế hầu như bao giờ cũng phụ thuộc vào phái "trung tâm" hay ngả nghiêng, tức là phái mà thái độ ngả nghiêng từ hữu sang tả hay từ tả sang hữu đã lật đổ trước hết nội các Cam-pơ-hau-den rồi đến nội các Au-ơ-xvan - Han-dơ-man. Nhưng trong khi phái tự do chủ nghĩa, ở đây cũng như ở khắp các nơi khác, đã bỏ lỡ thời cơ thì triều đình đã tổ chức lại lực lượng của mình bao gồm giai cấp quý tộc và bộ phận lạc hậu nhất của dân cư nông thôn, cũng như quân đội và bộ máy quan lại. Sau khi Han-dơ-man bị lật đổ, một nội các gồm những quan lại và võ quan được thành lập, tất cả đều là những tay phản động ngoan cố nhưng lại làm ra vẻ sẵn sàng coi trọng yêu sách của Quốc hội. Và Quốc hội trong khi áp dụng cái nguyên tắc tiện lợi là: "điều quan trọng là biện pháp chứ không phải là con người", thì đã mắc lừa đến mức đã hoan nghênh nội các ấy mà không chú ý gì đến việc chính nội các ấy đang tiến hành khá công khai việc tập trung và tổ chức những lực lượng phản cách mạng. Sau cùng, khi thấy Viên thất thủ, nhà vua liền đuổi các bộ trưởng đi và thay bằng những "con người hành động" dưới sự lãnh đạo của thủ tướng hiện thời là Man-toi-phen. Thế là cái Quốc hội mê ngủ ấy bỗng mở mắt ra đã thấy nguy cơ trước mắt. Nó biểu quyết không tín nhiệm nội các, nhưng nội các tức khắc trả lời bằng một sắc lệnh chuyển Quốc hội từ Béc-lin - vì ở Béc-lin, Quốc hội có thể trông vào sự ủng hộ của quần chúng một khi xảy ra xung đột - đến Bran-đen-buốc, một thành phố nhỏ hoàn toàn đặt dưới quyền lực của chính phủ. Nhưng Quốc hội lại tuyên bố rằng nó không thể bị đình chỉ, bị di chuyển hay bị giải tán nếu bản thân nó không đồng ý. Trong lúc đó, tướng Vran-ghen tiến vào Béc-lin với chừng 4 vạn quân. Trong một cuộc hội họp của các nhà chức trách của thành phố và các sĩ quan đội cận vệ quốc gia, người ta đã quyết định không kháng cự gì hết. Và giờ đây, sau khi Quốc hội và giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa, kẻ đã sản sinh ra nó, đã cho phép các lực lượng liên minh của phe phản cách mạng chiếm mọi vị trí quan trọng và tước hầu hết mọi phương tiện phòng ngự, thì bắt đầu tấn đại hài kịch "kháng cự thụ động trong khuôn khổ hợp pháp" mà trong tư tưởng, họ vẫn coi là một sự bắt chước một cách vinh quang tấm gương của Hem-pơ-đen và của những hành động đầu tiên của người Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập[36*]. Béc-lin bị tuyên bố thiết quân luật, nhưng Béc-lin vẫn yên tĩnh; đội cận vệ quốc gia bị chính phủ giải tán và nó giao nộp vũ khí một cách rất đúng đắn. Trong vòng hai tuần, Quốc hội bị đuổi từ địa điểm hội họp này sang địa điểm hội họp khác và ở đâu cũng bị quân đội giải tán; thế nhưng các nghị viên vẫn kêu gọi nhân dân hãy giữ thái độ bình tĩnh. Sau cùng, khi chính phủ tuyên bố giải tán Quốc hội thì Quốc hội biểu quyết một nghị quyết tuyên bố việc đánh thuế là bất hợp pháp, và các nghị viên phân tán đi các nơi để tổ chức việc chống thuế. Nhưng chẳng bao lâu, họ thấy rằng họ đã lầm to khi lựa chọn phương sách hành động. Sau mấy tuần lễ xáo động và tiếp theo đó là những biện pháp nghiêm khắc của chính phủ chống phe đối lập, mọi người đều từ bỏ ý định chống thuế để làm vừa lòng một Quốc hội đã chết và thậm chí không có gan tự vệ.
Vào đầu tháng Mười một 1848, phải chăng đã quá muộn không thể tiến hành một cuộc kháng cự vũ trang? hay là ngược lại, một bộ phận quân đội, khi gặp một sự phản kháng nghiêm trọng, liệu có đứng về phía Quốc hội và như vậy nó sẽ quyết định tình thế có lợi cho Quốc hội chăng? Vấn đề đó có lẽ sẽ không bao giờ có thể giải đáp được. Nhưng trong cách mạng cũng như trong chiến tranh, bao giờ cũng cần phải dũng cảm đương đầu với kẻ thù và kẻ tấn công thì bao giờ cũng chiếm được lợi thế hơn; trong cách mạng cũng như trong chiến tranh, điều hết sức tất yếu là dám hành động trong giờ phút quyết định, vô luận may rủi thế nào. Trong lịch sử, không có cuộc cách mạng thành công nào mà lại không chứng minh tính chân lý của những nguyên lý ấy. Đối với cuộc cách mạng Phổ, giờ phút quyết định là tháng Mười một 1848; Quốc hội lập hiến Phổ, kẻ chính thức đứng đầu toàn bộ phong trào cách mạng đã không đương đầu với kẻ thù mà lùi bước trước mỗi trận tấn công của kẻ thù; nó có khả năng ít tấn công hơn nữa vì thậm chí nó còn cho rằng không cần phải phòng thủ; và khi đến giờ phút quyết định, khi mà Vran-ghen dẫn 4 vạn quân đến cửa ngõ Béc-lin thì không đúng như hắn và sĩ quan của hắn đã tính trước là nhất định sẽ thấy các phố xá lởm chởm những chướng lũy và các cửa sổ biến thành những lỗ châu mai, mà lại thấy cửa thành rộng mở và phố xá chỉ bị tắc nghẽn bởi những thị dân hòa bình của Béc-lin, họ lấy làm thích thú về cái trò đùa vừa mới chơi cho Vran-ghen, bằng cách tự trói tay chân nộp mình cho bọn lính sửng sốt. Thực ra nếu Quốc hội và nhân dân kháng cự thì họ có thể sẽ bị đánh bại, Béc-lin có thể bị bắn phá và hàng trăm người có thể chết mà vẫn không ngăn nổi chiến thắng cuối cùng của đảng bảo hoàng. Dù sao đây cũng không phải là lý do để cho họ hạ khí giới ngay tức khắc. Một thất bại sau một cuộc chiến đấu ngoan cường là một sự kiện có ý nghĩa cách mạng ngang với một thắng lợi dễ dàng. Những thất bại của Pa-ri trong tháng Sáu 1848 và của Viên trong tháng Mười 1848, dù sao, cũng đã cách mạng hóa tinh thần của nhân dân ở hai thành phố ấy hơn là những chiến thắng tháng Hai và tháng Ba. Quốc hội lập hiến và nhân dân Béc-lin có thể cũng đã phải chịu số phận như số phận của hai thành phố trên, nhưng họ sẽ ngã xuống một cách vẻ vang và để lại trong ký ức của những người còn sống một ý chí phục thù, mà vào những thời kỳ cách mạng nó sẽ là một trong những nhân tố mạnh mẽ nhất kích thích hoạt động kiên quyết và say sưa. Lẽ tự nhiên là trong mỗi cuộc chiến đấu, kẻ nhận ứng chiến có thể bị đánh bại; nhưng liệu đấy có phải là lý do để nhận thất bại ngay từ đầu và đầu hàng trước khi đọ kiếm hay không?
Trong cách mạng, kẻ nào chiếm lĩnh vị trí quyết định mà lại nộp nó cho kẻ thù chứ không buộc kẻ thù phải xung phong đánh chiếm thì kẻ đó luôn luôn đáng phải coi là kẻ phản bội.
Cũng chính cái sắc lệnh của vua Phổ giải tán Quốc hội lập hiến ấy đã công bố cả hiến pháp mới, dựa trên dự án do một ủy ban của chính Quốc hội lập hiến ấy thảo ra. Nhưng bản hiến pháp này, trên một số điểm, mở rộng quyền hạn của nhà vua, và trên một số điểm khác, lại xét lại quyền lực của nghị viện. Hiến pháp này lập ra hai viện, hai viện này sẽ phải họp ngay sau đó để bàn và phê chuẩn hiến pháp.
Chúng ta chẳng cần hỏi xem Quốc hội Đức ở đâu trong thời gian cuộc đấu tranh "hợp pháp và hòa bình" của những phần tử lập hiến Phổ. Cũng như thường ngày, nó vẫn ở Phran-phuốc và còn mải biểu quyết những nghị quyết rất ngắn gọn chống những thủ đoạn của Chính phủ Phổ tán thưởng "cái quang cảnh hùng vĩ của sự kháng cự thụ động, hợp pháp và nhất trí của cả một dân tộc, chống lại bạo lực". Chính phủ trung ương cử phái viên đến Béc-lin để thương lượng giữa nội các và Quốc hội; nhưng họ cũng chịu chung số phận của những người đã đi trước họ ở ôn-muýt-xơ và họ bị xua đi một cách lịch sự. Phái tả của Quốc hội, cái gọi là đảng cấp tiến, cũng cử những phái viên của nó đến; nhưng những phái viên này, sau khi đã thấy rõ sự bất lực hoàn toàn của Quốc hội của Béc-lin và thú nhận sự bất lực của bản thân mình, đã trở về Phran-phuốc để báo cáo kết quả và để làm nhân chứng cho thái độ hòa bình tuyệt diệu của dân cư Béc-lin. Hơn thế nữa, khi ngài Bát-xơ-man, một trong những phái viên của chính phủ trung ương, đã cho biết rằng những biện pháp nghiêm khắc mới đây của các bộ trưởng Phổ được thông qua không phải là không có căn cứ, vì thời gian gần đây người ta thường thấy có nhiều người mặt mũi hung dữ lảng vảng trong các phố ở Béc-lin, như vẫn thường thấy trước khi nổ ra những phong trào vô chính phủ (từ đó người ta gọi những người này là "những người kiểu Bát-xơ-man"), thì những nghị viên phái tả đáng kính ấy và những người kiên quyết bảo vệ cách mạng ấy, thấy cần phải đứng lên làm nhân chứng để thề rằng không có chuyện đó. Thế là trong vòng không đầy hai tháng, Quốc hội Phran-phuốc đã tỏ ra rõ ràng là hoàn toàn bất lực. Không còn bằng chứng nào rõ rệt hơn thế để chứng tỏ rằng cơ quan ấy là hoàn toàn không xứng với nhiệm vụ của nó mà thậm chí hoàn toàn không hiểu nhiệm vụ của mình là gì. Chỉ cái việc là ở Viên cũng như Béc-lin, người ta quyết định số phận của cách mạng, là ở hai thủ đô ấy, người ta giải quyết những vấn đề quan trọng nhất, sinh tử nhất, mà không bao giờ thèm đếm xỉa đến Quốc hội Phran-phuốc, - chỉ một việc ấy cũng đủ khẳng định rằng cơ quan ấy chỉ đơn thuần là một câu lạc bộ tranh luận suông, gồm một đám những kẻ ngớ ngẩn đã tự để cho chính phủ sử dụng mình như những con rối ở nghị trường mà người ta biểu diễn để mua vui cho các ngài tiểu thương và thợ thủ công ở các bang nhỏ và các thành thị nhỏ, chừng nào các chính phủ còn thấy cần thiết phải đánh lạc hướng sự chú ý của những công chúng này. Sau đây, chúng ta sẽ thấy cái việc ấy được coi là hữu ích trong bao lâu. Nhưng có một điều đáng chú ý là trong tất cả những người "lỗi lạc" của Quốc hội ấy, không có lấy một ai biết chút gì về vai trò mà người ta bắt họ phải đóng, và cho đến tận bây giờ, những cựu hội viên của cái câu lạc bộ Phran-phuốc ấy vẫn có những cơ quan cảm giác riêng của họ để nhận thức những sự kiện lịch sử.
Luân Đôn, tháng Ba 1852
[Chương trước] [Mục lục] [Chương tiếp theo]
[1] - Cách xã giao