C. Mác và Ph. Ăng-ghen
Lời kêu gọi của Ban chấp hành trung ương
Các bạn !
Trong hai năm cách mạng 1848-1849, Liên đoàn đã vượt qua được hai thử thách: lần thứ nhất là do ở khắp mọi nơi, các đảng viên của Liên đoàn đều tích cực tham gia phong trào; do trên báo chí, trên chiến luỹ, trên chiến trường, họ đều đứng ở vị trí đầu trong hàng ngũ của giai cấp vô sản, giai cấp duy nhất thật sự với cách mạng. Liên đoàn đã vượt qua được một thử thách nữa: quan điểm của Liên đoàn về phong trào, như đã được trình bày trong các bản thông tri của các kì đại hội và của Ban chấp hành trung ương năm 1847 và trong " Tuyên ngôn cộng sản", đã tỏ ra là quan điểm duy nhất đúng; những dự kiến đề xuất ra trong những văn kiện ấy dã hoàn toàn được xác nhận, và cách nhìn nhận tình hình xã hội hiện nay mà trước đây Liên đoàn chỉ bí mật tuyên truyền thì giờ đây ai ai cũng nói tới và được công khai tuyên truyền tại các quảng trường. Cũng chính trong thời gian này, tổ chức vững mạnh trước đây của Liên đoàn đã bị suy yếu đi nhiều. Phần lớn đảng viên đã từng trực tiếp tham gia phong trào cách mạng, tưởng rằng thời kì của các hội bí mật đã qua rồi và chỉ cần hoạt động công khai cũng đủ. Lẻ tẻ có những xứ bộ bắt đầu buông lỏng mối liên hệ giữa ban chấp hành trung ương và dần dần cắt đứt hẳn việc liên hệ. Như vậy, trong khi Đảng dân chủ, đảng của giai cấp tiểu tư sản, ngày càng được tổ chức ở Đức thì đảng công nhân đã mất chỗ dựa vững mạnh duy nhất của nó; nhiều lắm thì nó còn duy trì ở vài nơi tổ chức của nó nhằm những mục đích địa phương, và vì thế mà trong phong trào chung, nó đã hoàn toàn bị các nhà dân chủ tiểu tư sản khống chế và lãnh đạo. Cần chấm dứt ngay tình trạng đó; tính độc lập của công nhân phải được khôi phục. Ban chấp hành trung ương đã thấy được cần thiết đó và vì vậy mà ngay từ mùa đông năm 1848-1849, đã cử một phái viên là Joseph Moll về Đức để tổ chức lại Liên đoàn. Tuy nhiên sứ mệnh của Moll không có hiệu quả bền vững, một phần là vì công nhân Đức khi đó chưa có đủ kinh nghiệm, một phần cũng do sứ mệnh đó bị cuộc khởi nghĩa tháng năm* năm ngoái làm gián đoạn. Bản thân Moll trực tiếp cầm vũ khí, xung vào đội quân Baden- Pfalz và ngày 29 tháng sáu đã hi sinh trong trận đánh ở Murg. Đồng chí Moll mất đi, Liên đoàn mất một trong những thành viên lão thành nhất, tích cực nhất và đáng tin cậy nhất của mình, một đảng viên đã từng tham dự tất cả các kỳ đại hội, các Ban chấp hành trung ương và trước đây, đã từng hoàn thành xuất sắc hàng loạt chuyến công tác với thắng lợi lớn. Sau thất bại của các đảng cách mạng ở Đức và Pháp vào tháng bảy năm 1849 thì hầu hết tất cả các uỷ viên của Ban chấp hành trung ương đã lại tập hợp ở Luân-đôn và sau khi đã bổ sung vào hàng ngũ của mình những lực lượng cách mạng mới, đã bắt tay vào việc tổ chức lại Liên đoàn với một nghị lực mới.
Việc tổ chức lại Liên đoàn chỉ có thể thực hiện được thông qua một phái viên, và Ban chấp hành trung ương cho rằng điều hết sức quan trọng là phái viên phải lên đường chính vào lúc này, là lúc mà cuộc cách mạng mới sắp nổ ra tới nơi, lúc mà đảng công nhân phải hành động sao cho có tổ chức nhất, thống nhất nhất và độc lập nhất, nếu như nó không muốn, như năm 1848, lại bị giai cấp tư sản lợi dụng và kéo theo đuôi nó.
Các bạn ! Ngay từ năm 1848, chúng tôi đã nói với các bạn rằng bọn tư sản thuộc phái tự do ở Đức sắp lên cầm quyền và ngay sau đó, sẽ quay cái chính quyền mà chúng vừa giành được chống lại công nhân. Các bạn đã thấy điều đó trở thành sự thực như thế nào. Quả thật, sau phong trào tháng ba năm 1848, chính bọn tư sản đã lập tức đoạt lấy chính quyền nhà nước và đã sử dụnh chính quyền ấy để lập tức đẩy công nhân, những bạn đồng minh của chúng trong cuộc đấu tranh, quay trở về địa vị bị trị trước đây của họ. Nếu như giai cấp tư sản, không liên minh với đảng phong kiến đã bị thủ tiêu hồi tháng ba, thậm chí trước sau không chịu nhượng quyền thống trị trở lại cho đảng chuyên chế phong kiến đó, thành thử không đạt được mục đích nói trên kia thì ít ra nó vẫn cứ giành được cho nó những điều kiện bảo đảm chuyển dần toàn bộ quyền thống trị vào tay nó, vì chính phủ gặp nhiều khó khăn về tài chính, và sẽ bảo đảm tất cả những lợi ích của nó, nếu phong trào cách mạng, ngay từ giờ, đã đi vào cái hướng gọi là sự phát triển hoà bình. Để bảo đảm quyền thống trị của mình, giai cấp tư sản thậm chí sẽ chẳng phải cần tới những biện pháp bạo lực khiến cho nhân dân căm thù nó, vì rằng tất cả những biện pháp bạo lực đó, bọn phản cách mạng phong kiếm đã sử dụng rồi.Nhưng sự phát triển sẽ không đi theo con đường hoà bình đó. Trái lại cuộc cách mạng, sẽ đẩy nhanh sự phát triển đó, thì đã tới gần, dù rằng nó sẽ do cuộc khởi nghĩa độc lập của giai cấp vô sản Pháp, hay do cuộc xâm lăng của Liên minh thần thánh vào Ba-bi-lon cách mạng, gây ra cũng vậy.
Và vai trò mà năm 1848, bọn tư sản tự do chủ nghĩa Đức đã đảm đương trước nhân dân thì trong cuộc cách mạng tới đây, cái vai trò phản bội nhường ấy sẽ do những người tiểu tư sản dân chủ đảm nhận, là những người hiện đang giữ , trong phái đối lập, một vị trí giống như vị trí của bọn tư sản tự do chủ nghĩa hồi trước năm 1848. Đối với công nhân, đảng này, Đảng dân chủ, một đảng còn nguy hiểm hơn nhiều so với phái tự do trước đây, gồm ba thành phần:
I.Những bộ phận tiến bộ nhất của giai cấp đại tư sản, mà mục tiêu là lật đổ ngay và toàn bộ chế độ phong kiến và chế độ chuyên chế. Đại biểu cho bộ phận này, là những kẻ thoả hiệp ở Béc-lin, trước đây đã từng cự tuyệt thuế *.
II. Những người tiểu tư sản dân chủ - lập hiến mà mục tiêu chính của họ trong phong trào trước đây là thành lập một nhà nước liên bang ít nhiều dân chủ, theo cái kiểu mà những đại biểu của họ, tức là cánh tả trong Quốc hội Frankfurt, rồi sau đấy ít lâu là Nghị viện Stuttgart* và bản thân họ trong phong trào đòi hiến pháp đế chế, đã từng cố đạt tới.
III. Những người tiểu tư sản cộng hoà mà lý tưởng là một nền cộng hoà liên bang Đức theo kiểu Thụy-sĩ và giờ đây họ đang tự xưng là những đảng viên đỏ và là những nhà dân chủ- xã hội , vì họ ấp ủ cái ảo tưởng tốt đẹp là thủ tiêu ách áp bức của tư bản lớn đối với tư bản nhỏ của nhà tư sản lớn đối với nhà tư sản nhỏ . Những đại biểu của bộ phận này là những ủy viên của các đại hội và các ủy ban dân chủ, các nhà lãnh đạo của các hội liên hiệp dân chủ, các biên tập viên của các tờ báo dân chủ.
Giờ đây, sau khi bị thất bại, tất cả những bộ phận này tự xưng là cộng hoà hay đỏ, y hệt như những người tiểu tư sản cộng hoà ở Pháp giờ đây tự xưng là những người xã hội chủ nghĩa. ở những nơi, như ở Wurttem-berg, Bayern, v.v., mà họ còn tìm được khả năng theo đuổi những mục tiêu của họ bằng con đường lập hiến, thì họ nắm lấy cơ hội để duy trì những luận điệu cũ của mình và bằng việc làm chứng minh rằng họ tuyệt nhiên không hề thay đổi. Tất nhiên cũng dễ hiểu là việc thay đổi tên gọi của đảng này tuyệt nhiên không làm thay đổi thái độ của nó đối với công nhân; mà chỉ chứng minh rằng giờ đây, đảng này đã buộc phải đương đầu với giai cấp tư sản câu kết với chế độ chuyên chế, và buộc phải dựa vào giai sấp vô sản.
Đảng dân chủ tiểu tư sản là một đảng rất mạnh ở Đức. Nó chẳng những bao gồm phần lớn tiểu thị dân thành thị, tầng lớp công thương nhỏ và các thợ thủ công, mà đi theo nó còn có nông dân và giai cấp vô sản nông nghiệp, chừng nào giai cấp vô sản nông nghiệp còn chưa có được sự ủng hộ của giai cấp vô sản độc lập tại các thành thị .
Thái độ của đảng công nhân cách mạng đối với phái dân chủ tiểu tư sản là như sau : đảng công nhân cách mạng cùng đi với phái đó để chống lại cái bộ phận mà đảng cần lật đổ ; đảng chống lại phái đó trong mọi trường hợp mà phái đó muốn củng cố địa vị của nó vì lợi ích riêng cho nó.
Hoàn toàn không có ý đồ tiến hành cách mạng để cải biến toàn bộ xã hội vì lợi ích của những người vô sản cách mạng , những người tiểu tư sản dân chủ mưu đồ một sự thay đổi hoàn cảnh xã hội, sao cho xã hội hiện hành trở nên thật dễ chịu và tiện lợi hơn với họ . Bởi vậy , họ đòi trước hết phải giảm bớt những khoản chi của nhà nước bằng cách hạn chế giới quan lại và đem các thứ thuế chính chuyển sang đánh vào đầu bọn địa chủ lớn và bọn tư sản. Tiếp đó, họ đòi phải thủ tiêu áp lực của tư bản lớn đối với tư bản nhỏ bằng cách đòi đặt ra các cơ quan tín dụng quốc gia và các đạo luật chống tệ cho vay nặng lãi, khiến cho bản thân họ và nông dân sẽ có khả năng vay tiền, với những điều kiện thuận lợi, của nhà nước chứ không phải của bọn tư bản; rồi họ đòi thiết lập những quan hệ tư hữu tư sản ở khắp nông thôn bằng cách thủ tiêu hoàn toàn chế độ phong kiến. Để thực hiện được tất cả những điều đó, họ cần có một cơ cấu nhà nước dân chủ, bất luận là lập hiến hay cộng hoà, một cơ cấu nhà nước bảo đảm cho họ và đồng minh của họ - nông dân - chiếm được đa số , và họ cần có một chế độ địa phương dân chủ, tức là một chế độ sẽ chuyển vào tay họ quyền trực tiếp kiểm soát tài sản tư hữu ở nông thôn và hàng loạt chức năng hiện nay vẫn do bọn quan liêu đảm nhận.
Tiếp nữa , họ cho rằng cần phải chống lại sự thống trị và sự tăng lên nhanh chóng của tư bản, một mặt bằng cách hạn chế quyền thừa kế tài sản , mặt khác bằng cách chuyển giao thật nhiều công việc vào tay nhà nước. Còn đối với công nhân trước hết phải thấy rõ ràng rằng họ vẫn phải là những công nhân làm thuê như cũ, nhưng ở đây , những người tiểu tư sản dân chủ chỉ mong muốn công nhân có được tiền công khá hơn và có được đời sống đảm bảo hơn; họ hy vọng đạt được điều này, một phần bằng cách là chính phủ sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân, một phần bằng các biện pháp từ thiện ; tóm lại, họ hy vọng mua chuộc công nhân bằng những của bố thí ít nhiều được ngụy trang và muốn phá sức mạnh cách mạng của họ bằng cách tạm thời cải thiện tình hình của họ. Không phải tất cả mọi bộ phận trong phái dân chủ tiểu tư sản đều bảo vệ những yêu sách đã được tóm tắt ở đây, và hiếm có người trong số họ coi toàn bộ những yêu sách đó là mục tiêu mà họ phải giành được. Những nhân vật hay những bộ phận cá biệt trong phe dân chủ tiểu tư sản càng đi xa hơn thì họ càng biến một bộ phận lớn của những yêu sách đó thành những yêu sách của chính họ, còn lẻ tẻ một vài người coi những yêu sách trình bày ở trên là cương lĩnh của bản thân họ thì lại yên trí tưởng rằng như thế là đã xác định được cái tổng quát nhất cho một cuộc cách mạng. Nhưng đối với đảng của giai cấp vô sản thì những yêu sách như thế không bao giờ được coi là đã đầy đủ. Trong khi những người tiểu tư sản dân chủ mong kết thúc cách mạng một cách nhanh chóng, sau khi mà nhiều lắm, đã thực hiện được những yêu sách kể trên, thì lợi ích của chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho cách mạng trở thành cách mạng không ngừng cho đến khi tất cả các giai cấp ít hay nhiều hữu sản đều bị gạt ra khỏi chính quyền ,cho đến khi giai cấp vô sản giành được chính quyền nhà nước, cho đến khi chẳng những ở một nước, mà ở tất cả mọi nước thống trị trên thế giới, các hội liên hiệp những người vô sản đã tiến bộ đến mức có thể chấm dứt sự cạnh tranh giữa những người vô sản ở các nước đó, và ít nhất là tập trung những lực lượng sản xuất quyết định vào tay mình. Đối với chúng ta, vấn đề không phải là cải biên chế độ tư hữu, mà là xoá bỏ nó, không phải là làm lu mờ những đối kháng giai cấp , mà là xoá bỏ những giai cấp, không phải cải thiện xã hội hiện hành, mà là xây dựng một xã hội mới. Trong quá trình phát triển không ngừng của cách mạng , phái dân chủ tiểu tư sản ở Đức sẽ có được ảnh hưởng ưu thế trong một thời gian nhất định , đó là điều chắc chắn. Vì vậy , một vấn đề được đặt ra là thái độ của giai cấp vô sản và của riêng liên đoàn đối với phái đó sẽ như thế nào,
1. Khi vẫn còn tồn tại những quan hệ hiện nay trong đó phái dân chủ tiểu tư sản cũng ở địa vị bị áp bức ;
2. trong cuộc đấu tranh cách mạng sắp tới, cuộc đấu tranh sẽ đem lại cho họ ưu thế;
3. sau cuộc đấu tranh ấy , chừng nào mà phái đó vẫn có ưu thế đó đối với những giai cấp đã bị lật đổ và đối với giai cấp vô sản
1. Hiện nay, khi những người dân chủ tiểu tư sản bị áp bức ở khắp nơi thì nói chung , họ tuyên truyền trong giai cấp vô sản sự đoàn kết và hoà giải, họ bắt tay hợp tác với giai cấp vô sản và cố gắng xây dựng một đảng đối lập lớn, bao gồm mọi biệt phái của đảng dân chủ, tức là họ cố gắng đánh bẫy công nhân bằng một tổ chức đảng trong đó thịnh hành những luận điểm dân chủ- xã hội chung chung nhằm che đậy những lợi ích riêng của họ , trong đó những yêu cầu riêng của giai cấp vô sản không dược đặt ra, để khỏi làm hại đến sự thuận hoà hằng trông đợi . Một sự liên hợp như vậy tất nhiên là sẽ hoàn toàn có hại cho giai cấp vô sản và chỉ có lợi cho bọn họ. Giai cấp vô sản sẽ hoàn toàn bị mất địa vị độc lập mà nó đã phải vất vả mới giành được, và sẽ lại tụt xuống làm kẻ phụ thuộc đơn thuần vào phái dân chủ tư sản chính thức. Phải hết sức cương quyết từ chối sự liên hợp như vậy. Để khỏi một lần nữa bị tụt xuống làm vai trò của kẻ vỗ tay hoan nghênh bọn dân chủ tư sản, công nhân và trước hết là liên đoàn phải cố gắng thành lập, song song với phái dân chủ chính thức ,một tổ chức đảng riêng biệt , bí mật và công khai của công nhân và biến mỗi chi bộ thành trung tâm và hạt nhân của các hội liên hiệp công nhân, trong đó lập trường và lợi ích của giai cấp vô sản được đưa ra thảo luận độc lập với những ảnh hưởng tư sản. Các nhà dân chủ ở Breslau, trên tờ " Neue Oder-Zeitung " cơ quan ngôn luận của họ , đã điên cuồng công kích những công nhân có tổ chức độc lập mà họ gọi là những người xã hội chủ nghĩa, -việc đó cho ta thấy rõ ràng các nhà dân chủ tư sản có thái độ thiếu nghiêm chỉnh đến mức nào đối với một sự liên hợp trong đó những người vô sản sẽ có lực lượng và quyền lợi ngang với họ . Trong trường hợp đấu tranh chống một kẻ thù chung thì không cần có sự liên hợp đặc biệt nào hết. Khi cần phải đấu tranh trực diện chống lại một kẻ thù như vậy, lợi ích của hai đảng tạm thời thống nhất với nhau, và trong tương lai, cũng như từ trước đến nay, sự liên hợp có tính chất tạm thời như vậy cũng tự nó hình thành . Rất dễ hiểu là trong những cuộc xung đột đẫm máu sắp tới thì cũng như trước đây, chủ yếu cũng vẫn là công nhân sẽ phải đoạt thắng lợi bằng lòng dũng cảm của họ , bằng tinh thần kiên quyết và tinh thần sẵn sàng hy sinh của họ. Cũng như trước đây , trong cuộc đấu tranh này , những người tiểu tư sản sẽ tham gia đông đảo và sẽ cố lần khân giữ thái độ lừng chừng , do dự và tiêu cực để rồi sau đó , khi thắng lợi thì sẽ lợi dụng lợi ích đó cho lợi ích của bản thân, kêu gọi công nhân giữ bình tĩnh, an cư trở và về với công việc lao động của mình , họ phòng ngừa những cái gọi là hành động quá khích và tước mất của giai cấp vô sản những thành quả của thắng lợi. Công nhân không có quyền lực ngăn cản các nhà dân chủ tiểu tư sản hành động như vậy, nhưng công nhân có khả năng gây khó khăn cho chuyện chơi trèo như vậy của các nhà dân chủ tiểu tư sản trước mặt giai cấp vô sản vũ trang và buộc họ phải tiếp nhận những điều kiện sao cho sự thống trị của các nhà dân chủ tư sản, ngay từ đầu , đã mang trong lòng nó mầm mống của sự diệt vong, và do đó , sự thống trị ấy, sau này bị sự thống trị của giai cấp vô sản gạt bỏ một cách dễ dàng hơn nhiều. Trong thời gian xảy ra xung đột và ngay sau khi cuộc chiến đấu đã kết thúc , công nhân trước hết phải đem hết nỗ lực ra chống lại những mưu đồ của giai cấp tư sản định thiết lập một cục diện an bình và buộc các nhà dân chủ phải thực hiện những luận điệu khủng bố hiện nay của họ . Họ cần nỗ lực hành động sao cho khí thế sục sôi cách mạng không bị dập tắt nữa ngay sau khi thắng lợi .Trái lại , cần giữ vững khí thế đó, càng lâu càng tốt. Công nhân chẳng những không được phản đối những cái gọi là hành động quá khích , phản đối những trường hợp nhân dân trả thù những kẻ bị căm ghét hay những công thự chỉ mang độc những kỉ niệm căm thù; chẳng những phải dung thứ những hành động ấy mà còn phải nhận lấy trách nhiệm lãnh đạo những hành động ấy . Trong và sau cuộc đấu tranh , công nhân phải tận dụng mọi cơ hội để đề xuất những yêu cầu của riêng mình , song song với những yêu cầu của phe dân chủ tư sản . Họ cần đòi hỏi những bảo đảm cho công nhân, ngay khi phe dân chủ tư sản chuẩn bị nắm chính quyền . Nếu cần , họ phải dùng sức mạnh để giành lấy những bảo đảm ấy và nói chung phải tính toán sao cho các nhà cầm quyền mới phải chịu nhận mọi nhượng bộ và hứa hẹn có thể có ; đó là cách tốt nhất để làm cho chúng mất tín nhiệm. Nói chung, công nhân phải cố gắng, dùng đủ mọi cách và hết sức mình, hạn chế tình trạng say sưa và tình trạng hân hoan về tình hình mới xuất hiện sau bất kỳ một cuộc đấu tranh đường phố thắng lợi nào, bằng cách xem xét tình hình một cách bình tĩnh và thản nhiên, và tỏ thái độ công khai không tín nhiệm chính phủ mới. Song song với những chính phủ chính thứ, mới họ phải đồng thời lập ra những chính phủ công nhân cách mạng của riêng mình, hoặc là dưới hình thức các cơ quan tự quản lý địa phương hay các hội đồng địa phương, hoặc là dưới hình thức các câu lạc bộ công nhân hay các ủy ban công nhân, sao cho các chính phủ dân chủ tư sản chẳng những bị mất ngay chỗ dựa trong công nhân mà còn sẽ thấy rằng ngay từ đầu, chúng đã ở dưới sự giám sát và đe doạ của các nhà chức trách được toàn thể quần chúng công nhân ủng hộ . Tóm lại , ngay từ phút giây thắng lợi đầu tiên, cần hướng thái độ không tín nhiệm của công nhân không phải vào đảng phản động đã thất bại, mà vào những đồng minh trước đây của mình, vào cái đảng muốn lợi dụng thắng lợi chung vì lợi ích riêng của mình.
2. Nhưng để có thể đương đầu một cách kiên quyết và có tính chất uy hiếp với cái đảng sẽ phản bội công nhân ngay từ giờ phút thắng lợi đầu tiên đó, công nhân cần được vũ trang tốt và tổ chức tốt. Điều quan trọng là phải lập tức vũ trang cho toàn thể giai cấp vô sản bằng súng trường súng săn, đạn đại bác và đạn dược và phải chống lại việc tái lập đội dân vệ cũ để chống lại công nhân. ở những nơi không thể chống lại được việc tái lập ấy, công nhân phải tìm cách tự tổ chức lại đội cận vệ vô sản độc lập, với những người chỉ huy do mình chọn ra và bộ tư lệnh riêng tự bầu ra dưới sự điều khiển không phải của chính quyền nhà nước mà là của những hội đồng cách mạng địa phương do công nhân lập ra. ở những nơi công nhân làm việc tại các xí nghiệp nhà nước thì nhất thiết họ cần được vũ trang và tổ chức thành đơn vị riêng với những cán bộ chỉ huy do chính họ bầu ra, hoặc thành một đội cận vệ vô sản. Bất kể với lý do nào họ cũng không được nộp vũ khí và đạn dược; và khi cần thiết, phải dùng bạo lực để giáng trả mọi mưu đồ tước khí giới. Phải xoá bỏ ảnh hưởng của các nhà dân chủ tư sản trong công nhân, xây dựng ngay một tổ chức độc lập và có vũ trang của công nhân và tạo ra những điều kiện nặng nề nhất và nguy hại nhất cho sự thống trị tạm thời tất yếu của phái dân chủ tư sản, - đó là những điều chủ yếu mà giai cấp vô sản , mà cùng với nó là Liên đoàn phải lưu ý trong và sau cuộc khởi nghĩa sắp tới.
3. Ngay khi các chính phủ mới được củng cố đến một mức nhất định là chúng lập tức bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại công nhân. Để có thể chống lại những người dân chủ tiểu tư sản một cách mạnh mẽ thì trước hết, công nhân cần phải được tổ chức một cách độc lập và được tập trung lại thành các câu lạc bộ của riêng họ. Sau sự sụp đổ của những chính phủ hiện hành, Ban chấp hành trung ương sẽ chuyển về Đức ngay khi có điều kiện; sẽ lập tức triệu tập một cuộc đại hội và đưa ra đại hội xét những đề nghị cần thiết về việc tập trung các câu lạc bộ công nhân dưới sực lãnh đạo của một cơ quan đặt tại trung tâm của một phong trào. Việc nhanh chóng tổ chức ít ra là sự thống nhất các câu lạc bộ công nhân ở các tỉnh lại là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tăng cường và phát triển đảng công nhân. Lật đổ các chính phủ hiện hành rồi thì cần lập tức tiến hành bầu cử một quốc hội đại biểu toàn quốc. ở đây, giai cấp vô sản sẽ phải quan tâm tới:
I. Sao cho không vì bất cứ một lý do nào đó mà một số lớn công nhân, do những gian kế của các nhà chức trách địa phương hay các uỷ viên chính phủ, bị loại ra khỏi cuộc bầu cử ;
II. Sao cho ở khắp mọi nơi , bên cạnh các ứng cử viên dân chủ tư sản, còn có những ứng cử viên công nhân, mà người ta hết sức cố gắng chọn trong số các đảng viên của Liên đoàn, và sử dụng mọi phương tiện có thể có để cho họ được bầu. Thậm chí cả ở những nơi không có chút hy vọng thành công, công nhân cũng phải đưa ra những ứng cử viên của riêng mình, để bảo vệ tính độc lập của mình, kiểm điểm lực lượng của mình và công khai tuyên bố lập trường cách mạng và quan điểm của đảng mình. Trong trường hợp này, công nhân không được để bị mê hoặc bởi những luận điệu của các nhà dân chủ, chẳng hạn như luận điệu cho rằng làm như vậy không khéo sẽ gây ra chia rẽ trong Đảng dân chủ và tạo cơ hội cho bọn phản động giành thắng lợi. Tất cả những luận điệu này, rút cục lại, chỉ nhằm có một mục đích là đánh lừa giai cấp vô sản . Những thành tựu mà đảng vô sản phải đạt được bằng một hành động độc lập như vậy, còn vô cùng quan trọng hơn cái hại do việc có mấy tên phản động ở quốc hội đại biểu nhân dân có thể gây nên. Nếu như ngay từ đầu, phái dân chủ đã có hành động kiên quyết và khủng bố đối với bọn phản động thì ảnh hưởng của bọn này tại các cuộc bầu cử đã bị xoá bỏ từ trước rồi .
Điều đầu tiên gây ra xung đột giữa các nhà dân chủ tư sản và công nhân sẽ là việc xóa bỏ chế độ phong kiến. Cũng giống như trong cuộc Cách mạng Pháp lần thứ nhất, những người tiểu tư sản sẽ giao ruộng đất phong kiến cho nông dân làm tài sản được tự do sử dụng, nói một cách khác là họ muốn duy trì giai cấp vô sản nông nghiệp và tạo ra giai cấp nông dân tiểu tư sản, kẻ sẽ phải đi theo cũng cái vòng luẩn quẩn của sự bần cùng hoá và nợ nần ngày một tăng mà giờ đây, người nông dân Pháp còn phải chịu đựng.
Vì lợi ích của giai cấp vô sản nông nghiệp và lợi ích chính bản thân mình, công nhân phải chống lại âm mưu này. Họ phải đòi hỏi rằng ruộng đất phong kiến đã bị tịch thu phải được giữ lại làm tài sản nhà nước và phải được biến thành những nông trường công nhân do giai cấp vô sản nông nghiệp được tổ chức thành hiệp hội canh tác, bằng cách sử dụng tất cả những ưu thế của nền canh tác lớn. Qua việc làm đó mà trong tình hình các quan hệ sở hữu tư sản đang bị lung lay, nguyên tắc sở hữu công cộng sẽ có ngay được một cơ sở vững vàng. Cũng như các nhà dân chủ liên hiệp với nông dân, công nhân cũng phải liên hiệp với giai cấp vô sản nông nghiệp. Tiếp nữa, các nhà dân chủ hoặc sẽ tìm cách trực tiếp thiết lập một nhà nước cộng hoà liên bang, hoặc nếu họ không thể tránh được một nhà nước cộng hòa thống nhất và không thể phân chia thì ít ra họ sẽ tìm cách làm tê liệt chính phủ trung ương , bằng cách để cho các xã[1] và các tỉnh có thật nhiều quyền tự chủ và độc lập . Để chống lại ý đồ này , công nhân chẳng những phải kiên trì thành lập một nước cộng hoà Đức thống nhất và không thể phân chia, mà còn phải tìm cách thực hiện trong nước cộng hoà ấy , sự tập trung triệt để nhất tất cả quyền lực vào tay chính quyền nhà nước. Họ không được để bị đánh lừa bằng những lời nói suông của các nhà dân chủ về quyền tự do của các xã, về quyền tự quản, v.v... ở một nước như nước Đức, nơi mà người ta còn phải xoá bỏ tàn tích của thời trung cổ nhiều đến như vậy, còn phải khắc phục chủ nghĩa đặc thù của địa phương và của tỉnh nhiều đến như vậy, thì bất luận trong hoàn cảnh nào, cũng không thể dung túng việc mỗi làng, mỗi thành phố, mỗi tỉnh lại gây ra một trở ngại cho hoạt động cách mạng, là hoạt động chỉ xuất phát từ trung ương thì mới có thể phát huy toàn bộ sức mạnh của nó. Không được để phục hồi tình trạng hiện nay, một tình trạng khiến cho muốn tiến được cùng một bước như nhau, người Đức buộc phải tiến hành một cuộc đấu tranh đặc thù ở từng thành phố và ở từng tỉnh.Cũng không thể dung thứ nhất là cho một hình thức sở hữu còn lạc hậu hơn cả sở hữu tư nhân hiện đại, một hình thức, rút cục lại, hoàn toàn tất yếu phải làm hoà với hình thức này, tức là không dung thứ cho cái chế độ sở hữu xã - sở hữu tư nhân hiện đại, - và những sự tranh chấp không tránh khỏi giữa những xã nghèo và giàu, giống như quyền công dân của nhà nước tồn tại song song với quyền công dân của xã với những chuyện kiện tụng của nó, - tồn tại vĩnh viễn, có hại cho công nhân, do một quy chế xã được mệnh danh là quy chế tự do. Cũng như ở Pháp năm 1793, thì giờ đây ở Đức, việc thực hiện sự tập trung một cách nghiêm ngặt nhất là nhiệm vụ của một đảng thực sự cách mạng[2].
Chúng ta đã thấy rằng trong phong trào sắp tới, các nhà dân chủ sẽ lên nắm quyền thống trị bằng cách nào và họ sẽ buộc phải đưa ra như thế nào những biện pháp ít nhiều có tính chất xã hội chủ nghĩa. Một vấn đề đặt ra là công nhân sẽ phải đề ra những biện pháp gì đây để đối phó với tình hình đó? Tất nhiên là trong giai đoạn đầu của phong trào, công nhân không thể trực tiếp đề ra những biện pháp cộng sản chủ nghĩa được. Nhưng họ có thể:
1. Buộc các nhà dân chủ phải can thiệp vào thật nhiều lĩnh vực của chế độ xã hội hiện hành, cản trở tiến trình bình thường của nó, bôi xấu chính bản thân mình, và tập trung vào tay nhà nước thật nhiều lực lượng sản xuất, phương tiện giao thông vận tải, nhà máy, đường sắt, v.v..
2. Họ phải đẩy những đề nghị của các nhà dân chủ, - tức là những người, tất nhiên, sẽ không chủ trương thi hành những biện pháp cách mạng mà chỉ chủ trương thi hành những biện pháp cải lương, - tới giới hạn cực đoan và biến những đề nghị đó thành những đòn công kích trực diện vào chế độ tư hữu. Chẳng hạn, nếu như các nhà tiểu tư sản đề nghị chuộc lại đường sắt và nhà máy, thì công nhân phải yêu cầu nhà nước tịch thu thẳng và không bồi thường những đường sắt và nhà maý ấy,coi là tài sản của bọn phản động. Nếu các nhà dân chủ đòi thuế tỷ lệ, thì công nhân phải đòi thi hành thuế luỹ tiến; nếu tự các nhà dân chủ đòi thuế luỹ tiến vừa phải thì công nhân kiên quyết phải đòi thứ thuế có định suất tăng nhanh đến mức bọn tư bản phải lâm nguy; nếu như các nhà dân chủ đề nghị điều chỉnh các trái khoán của nhà nước thì công nhân phải đòi nhà nước tuyên bố vỡ nợ. Do đó, ở mọi nơi, những yêu sách của công nhân phải được quyết định căn cứ vào những nhượng bộ và những biện pháp của các nhà dân chủ.
Nếu như nói rằng công nhân Đức còn còn chưa đi trọn con đường phát triển cách mạng khá dài nên chưa thể giành được địa vị thống trị và thực hiện những lợi ích giai cấp của mình thì ít ra, lần này, họ cũng có được niềm tin rằng màn đầu của cuộc cách mạng sắp tới đó sẽ trùng hợp với thắng lợi trực tiếp của giai cấp của chính họ ở bên Pháp và nhờ vậy sẽ được đẩy nhanh.
Nhưng, để giành được thắng lợi cuối cùng của mình họ sẽ phải dựa vào nỗ lực của bản thân: phải có ý thức về những lợi ích giai cấp của mình, phải chiếm càng nhanh càng tốt lấy cái vị trí là một đảng độc lập và không một phút giây nào được để cho phái dân chủ tiểu tư sản dùng những luận điệu bịp bợm đẩy mình đi chệch con đường một tổ chức độc lập của đảng của giai cấp vô sản. Khẩu hiệu chiến đấu của họ phải là: Cách mạng không ngừng !
Luân-đôn, tháng ba 1850.
Tác giả: | Các Mác | |
Xuất bản: | Theo đúng bản in Các Mác, "Vạch trần vụ án những người cộng sản ở Koln". Bản in mới với lời mở đầu của Phri-đrích Ăng-ghen và các tài liệu, Hottingen-Zurich, 1885. | |
HTML Markup: | Chu Đình Châu, 2003 |
[1]. từ đây trở đi chữ Gemeinde được dùng theo nghìa rất rộng là thị trấn, thị xã, xã, thôn.
[2]. Ngày nay, cần phải nhắc lại rằng đoạn này là dựa trên một sự ngộ nhận. Lúc bấy giờ, do chỗ những kẻ thuộc phái Bonaparte và phái tự do xuyên tạc lịch sử, - người ta thừa nhận rằng cuộc Đại cách mạng đã thiết lập ra bộ máy hành chính tập quyền Pháp và nhất là Hội nghị quốc ước đã sử dụng bộ máy đó làm một vũ khí cần thiết và quyết định để chiến thắng bọn phản động thuộc phái bảo hoàng và phái liên bang cũng như những kẻ thù bên ngoài. Nhưng giờ đây, mọi người đều biết rõ rằng trong suốt thời kỳ cách mạng, cho tới ngày mười tám tháng Sương mù, toàn thể các cơ quan hành chính ở các tỉnh, huyện và xã là gồm các nhà chức tranh do chính những người bị cai quản bầu ra - những người này được hưởng quyền tự do hoàn toàn, trong khuôn khổ các đạo luật chung của cả nước - ; rằng cũng tương tự như ở Mỹ, nền tự quản đó ở tỉnh và địa phương lại trở thành chính cái đòn bảy mạnh nhất của cách mạng, đến nỗi mà ngay sau cuộc chính biến ngày mười tám tháng Sươn mù, Napoléon đã vội vã thay nền tự quản đó bằng chế độ bổ nhiệm các tỉnh trưởng, một chế độ còn được duy trì cho tới nay và ngay từ đầu, đã là một công cụ của phái phản động. Nhưng chế độ tự quản tỉnh và địa phương mâu thuẫn ít chừng nào với chế độ tập quyền trung ương về mặt chính trị và dân tộc, thì nó cũng ít cần thiết phải gắn liền chừng nấy với chủ nghĩa vị kỷ thiển cận hàng tổng hay công xã, cái thứ chủ nghĩa mà chúng ta thấy hết sức chướng tai gai mắt ở Thuỵ Sĩ, mà những người chủ trương chế độ công hoà liên bang ở miền nam nước Đức lăm le đưa vào thành quy tắc ở Đức. [Chú thích của Ăng-ghen viết cho lần xuất bản năm 1885].