Chủ nghĩa Marx trong thời chúng ta

Victor Serge


Viết năm: 1938

Nguồn: Partisan Review, vol. 5, no. 3, 1938, pp. 26–32.

Bản điện tử: https://www.marxists.org/archive/serge/1938/xx/ourtime.htm

Dịch sang Tiếng Việt: Lê Công Hoàng


 

  1. Kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xuất bản năm 1848, Chủ nghĩa Marx đã trải qua nhiều biến thiên và đã phải hứng chịu rất nhiều đòn tấn công. Những sự phê phán vẫn còn – đôi lúc là đến từ những người có thiện chí – họ cho rằng nó đã bị gạt bỏ, phản bác, bị hủy diệt bởi dòng lịch sử. Tuy nhiên, ý thức giai cấp của những người cuối cùng bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản , dù đầy hỗn loạn nhưng cũng rất hung hăng , lại coi chủ nghĩa Marx là kẻ thù tinh thần, cũng như kẻ thù xã hội lớn nhất của nó. Những kẻ phản cách mạng ở Ý và ở Đức đã thẳng thắn nhận mình là người “chống chủ nghĩa Marx”. Mặt khác, hầu hết tất cả các phong trào công nhân đã đạt được thành tựu và sức mạnh đáng kể thì đều chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa Marx. Công đoàn Lao động Quốc gia ở Tây Ban Nha gần như là ngoại lệ duy nhất đối với quy luật này, và kinh nghiệm đã chỉ ra rất rõ tính chất nghiêm trọng của sự phá sản ý thức hệ, trong thời điểm mà ý thức của quần chúng được huy động để trở thành một trong những nhân tố quyết định trong một cuộc cách mạng đang thành hình – một cuộc cách mạng ngày nay có lẽ đã bị bỏ dở, chính xác là vì sự bất lực chính trị của những người cách mạng.

 

Thành tựu lịch sử của chủ nghĩa Marx là không thể phủ nhận. Các đảng Marxist của Đệ Nhị Quốc tế đã kết đoàn và tổ chức giai cấp vô sản thời tiền chiến, đưa nó lên một tầm cao mới, thành hình nó một cách dân chủ. Nhưng vào năm 1914, họ đã chứng tỏ rằng mình là tù nhân bị giam cầm trong chủ nghĩa tư bản, xã hội mà họ vừa chống và cùng lúc đó cũng thích nghi bản thân với nó, mặc dù, trên thực tế, họ thích nghi với nó nhiều hơn là chống lại nó. Nhưng có một đảng Marxist, giữa dòng chảy hỗn loạn của Cách mạng Nga, đã biết cách gỡ rối những đường sức quyền lực, để liên tục hướng mình đến lợi ích cao nhất của những người vô sản, để biến bản thân trở thành bà đỡ của thế giới mới, theo đúng nghĩa. Những người Marxist đã phải hứng đòn chí mạng nhất trong những cuộc chiến giai cấp của giai đoạn hậu chiến; Những người Spartacist ở Đức, Tiessriaki ở Bulgaria, những người Cộng sản ở khắp nơi. Về sau, vào thời điểm cao trào nhất, cách mạng Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng rất lớn bởi chủ nghĩa Marx cách mạng của người Nga – nhưng giờ đây đã bị thoái hóa, do cơn phản động đã trỗi dậy bên trong Liên Xô. Đúng thật, chủ nghĩa Marx ở Đức, xét cả hai dạng thức – Dân chủ Xã hội và Cộng sản – đã tỏ ra sự bất lực của chính mình trước cả sự tấn công của Quốc xã. Cùng với sự thoái hóa của Bolshevik, không nghi ngờ gì nữa, đây chính là thất bại nặng nề nhất mà chủ nghĩa Marx phải chịu. Tuy nhiên, chủ nghĩa Marx vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến lịch sử thế giới. Trong khi những người đối lập không thể dung hòa đã bị bắt bớ và tiêu diệt bởi bè lũ Stalin, những người Marxist Áo đang tiến hành một cuộc đấu tranh, dù đau đớn nhưng bi hùng, đã cứu vớt chính họ khỏi sự thoái chí. Những người thợ mỏ Xã hội Chủ nghĩa ở Asturia những năm 34 đã giáng một đòn ngăn chặn đà tiến của phát xít Tây Ban Nha.

 

Thật phi lý khi cô lập tư tưởng Marxist khỏi những thực tế xã hội ấy. Hơn cả là một học thuyết khoa học, chủ nghĩa Marx là một thực tế lịch sử. Nếu như một ai đó muốn hiểu nó, người đó phải hiểu nó trên mọi phương diện. Và người đó rồi sẽ nhận ra rằng, kể từ sự ra đời, cực thịnh và tha hóa của Công giáo, không còn một sự kiện nào có tầm ảnh hưởng hơn đối với đời sống nhân loại.

 

  1. Sự thật này còn vượt ra hẳn những phạm vi của đấu tranh giai cấp và trở thành một phần không thể thiếu đối với ý thức của con người hiện đại – bất kể thái độ của anh ta với chủ nghĩa Marx có ra sao. Việc tự hỏi ai đó rằng, liệu học thuyết về giá trị, về giá trị thặng dư, hay học thuyết về tích lũy tư bản nay có còn hoàn toàn đúng nữa hay không, chỉ là thứ yếu. Về bản chất, đây là một câu hỏi vô ích, cũng có phần trẻ con. Khoa học thì không bao giờ có thể “kết thúc" được, mà trái lại, nó luôn luôn tự hoàn thiện chính mình. Liệu khoa học có thể là một thứ gì khác ngoài một quá trị tự xét lại chính mình, một hành trình không ngừng nghỉ để có thể tiến gần tới chân ly? Liệu nó có thể phát triển không, nếu không có thử sai và giả thiết? Sai lầm của ngày mai lại là chân lý (thực ra, chỉ là sự ước lượng gần nhất đối với chân lý) của quá khứ. Việc chỉ ra rằng, có những tiên đoán của Marx và Engels vẫn chưa được hiện thực hóa trong lịch sử, và ngược lại, cũng có những sự kiện xảy ra mà họ không thể tiên đoán, việc ấy cũng là một việc thứ yếu. Marx và Engels quá vĩ đại, quá xuất chúng để có thể nghĩ rằng mình không thể sai lầm và chơi trò tiên tri. Quả đúng rằng – nhưng cũng không quan trọng lắm – rằng những môn đồ của họ không phải lúc nào cũng đạt đến mức độ uyên bác như vậy. Và vẫn đúng rằng, chủ nghĩa Marx đã thay đổi tư duy của con người thời kì hiện đại. Chúng ta nợ chủ nghĩa Marx vì sự khai mở tư duy, đổi mới ý thức. Như thế nào? Kể từ Marx, không ai dám bác bỏ thẳng thừng vai trò của kinh tế trong dòng lịch sử. Mối quan hệ giữa yếu tố kinh tế, tâm lý, xã hội và tư tưởng xuất hiện ngày nay, kể cả trong những đối trọng của chủ nghĩa Marx, nay đã hiện ra hoàn toàn khác so với thời kì trước Marx. Điều đó cũng tương tự với vai trò của cá nhân trong lịch sử, vai trò của cá nhân với quần chúng tập thể và với xã hội. Chủ nghĩa Marx, cuối cùng, đã cho chúng ta cái mà tôi gọi là “cảm giác lịch sử”; nó giúp ta ý thức được rằng, mình đang sống trong một thế giới luôn luôn biến chuyển, nó giúp chúng ta nhận thức được vai trò khả thi nhất của chúng ta – cũng như những gì đang hạn chế ta – đây chính là sự tranh đấu và sáng tạo bất tận; nó dạy chúng ta biết cách hòa hợp với chính mình, với tất cả ý chí và khả năng của chúng ta, để khởi động những quá trình lịch sử, những quá trình tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể là cần thiết, không thể tránh khỏi, hoặc là đáng mong đợi. Và vì thế, nó cũng cho phép chúng ta trao cho cuộc sống biệt lập của chính mình một tầm quan trọng lớn lao, bằng cách gắn kết nó lại, thông qua một ý thức có thể nâng tầm và làm dồi dào đời sống tinh thần của chúng ta – đời sống tập thể, đông đảo, thường trực – đời sống mà lịch sử chỉ có nhiệm vụ là bản ghi chép cho nó.

Sự thức tỉnh của ý thức đòi hỏi ta phải hành động, và xa hơn là đòi hỏi sự thống nhất giữa hành động và tư tưởng. Đây chính là khi con người tái hợp với chính mình, bất kể sức nặng đang đè nén định mệnh con người có là gì đi nữa. Họ không còn cảm thấy mình là đồ chơi của những thế lực mù quáng vô tận. Họ tự mình đối mặt với những thảm kịch tồi tệ nhất, và ngay cả giữa những thất bại to lớn ấy, họ thấy mình được mở rộng hơn nhờ khả năng thấu hiểu, ý chí hành động và phản kháng, cùng với cảm giác không thể xóa nhòa khi được hiệp đồng trong những hy vọng của chính mình và tập thể nhân loại theo tiến trình của nó qua thời gian

 

  1. Không ai còn có thể phủ định vai trò của kinh tế trong lịch sử nữa, cũng giống như việc thừa nhận sự thật rằng trái đất xoay tròn. Và kể cả những người cố chứng minh phủ định điều ấy thì cũng chỉ đang tự huyễn hoặc chính mình. Tôi rất muốn nhấn mạnh ở đây một luận điểm quan trọng mà trước kia nó không được chú ý tương xứng. Chính bản thân kẻ thù của giai cấp cần lao đã đồng hóa những bài học của chủ nghĩa Marx. Đám chính trị gia, tư bản công nghiệp và chủ nhà băng, cùng với những nhà tuyên giáo thi thoảng cóp nhặt các tác phẩm của Marx dù cho cùng lúc ném những người theo chủ nghĩa Marx vào tù; nhưng khi đối mặt với thực tế xã hội, chúng lại tri ân những nhà kinh tế Marxist và các lãnh đạo chính trị Marxist. Nếu như những học giả bác bỏ học thuyết giá trị thặng dư, thì giới chủ vẫn không hề từ bỏ việc tốn công sức và cố chấp hòng giữ khư khư giá trị thặng dư mà chúng chiếm đoạt được như một chiến lợi phẩm chúng cướp đoạt được từ của cải xã hội. Thứ chủ nghĩa Marx ngấm ngầm này mà những kẻ thù của chủ nghĩa xã hội đang thực hành, quả thật đã trở thành phương tiện ghê gớm nhằm bảo vệ đặc quyền giai cấp của tầng lớp trên.

 

  1. Trong lịch sử của chính nó, chủ nghĩa Marx đã trải qua những điều kiện phát triển mà chính nó xem xét và phân tích. Nó chỉ có thể vượt lên trên những điều kiện ấy chỉ có chút, vì từng chút một ý thức có được ấy lại là hệ quả trước khi nó trở thành một nguyên nhân, và vẫn phải chịu phụ thuộc vào điều kiện xã hội trước đó. “Tồn tại xã hội quyết định ý thức.”

Chủ nghĩa Marx của thời kì đế quốc đã bị phân liệt. Nó mang tính chất dân tộc/quốc gia chủ nghĩa và hoàn toàn là cải lương. Có rất ít những người theo nó – một Rosa Luxembourg, một Lenin, một Trotsky, một Hermann Gorter – hướng mình ra xa xăm phía chân trời, vượt ra hẳn những sự trù phú vật chất của tư bản. Nếu không thì chủ nghĩa Marx vắt vẻo trên đỉnh cao triết học tách biệt ra hẳn khỏi hành động trực tiếp, hoặc cũng thành một thứ đơn thuần có màu của chủ nghĩa không tưởng Cơ đốc Giáo (thứ mà trong nền văn hóa của chúng ta là Do Thái giáo, trước khi nó trở thành công giáo: Hãy đọc những Lời Khải thị đi!).

 

Chủ nghĩa Marx của thời kì đế quốc đã bị phân liệt. Nó mang tính dân tộc/quốc gia chủ nghĩa và phản cách mạng ở những nước nơi nó đã là cải lương; nó mang tính cách mạng và quốc tế chủ nghĩa ở Nga, đất nước duy nhất nơi sự sụp đổ của tàn dư chế độ cũ đã khiến những người vô sản phải đứng lên tiến hành trọn vẹn sứ mệnh của mình.

 

Chủ nghĩa Marx của Cách mạng Nga thoạt đầu là quốc tế chủ nghĩa nhiệt thành và tự do (học thuyết của Nhà nước Cộng sản, Liên minh của các Xô Viết), nhưng trong tình thế bị bao vây, nó trở nên càng ngày càng độc đoán và hà khắc.

Chủ nghĩa Marx của thời kì Bolshevik suy tàn – hay là chủ nghĩa Marx của đẳng cấp quan liêu, những kẻ tước đoạt quyền hành từ tay giai cấp vô sản – là một thứ chủ nghĩa toàn trị, độc tài, vô đạo và cơ hội. Nó kết thúc trong sự phủ định kì lạ và nổi loạn nhất của chính nó.

Điều này có nghĩa là gì, nếu không phải là việc ý thức xã hội, kể cả những dạng thức cao nhất của nó cũng chẳng thể thoát ra khỏi ảnh hưởng từ thực tại mà nó biểu hiện, nó phản ánh và muốn vượt qua?

 

  1. Chủ nghĩa Marx có cơ sở rất vững chắc là sự thật, vậy nên nó có thể tìm thấy sự trưởng thành trong chính thất bại của nó. Chúng ta cần phải phân biệt ở đây giữa triết học xã hội – khoa học, nói cho đúng hơn – và sự dẫn xuất và ứng dụng của nó vào để hành động (Thực ra thì chúng không thể nào tách rời, và trường hợp này không chỉ đúng với chủ nghĩa Marx mà còn đối với tất cả các lĩnh vực tri thức gắn chặt với hoạt động con người.) Nhiệm vụ của chúng ta không phải là áp đặt sự kiện, điều khiển sự kiện, càng không thể là dự đoán nó – mặc dù chúng ta liên tục làm những thứ này, với những thành công ở nhiều mức khác nhau; hoạt động của chúng ta, là hoạt động sáng tạo, gan góc dấn thân vào vùng vô định; và rằng, những gì ta không biết thường đem lại nhiều thứ hơn là những gì ta đã biết, những thành công của chúng ta chính là những chiến thắng tương đối bất ngờ. Và đối với phương thức hành động thực tiễn Marxist, ta có thể kể ra những thành tựu sau như là chiến thắng vĩ đại của đảng Bolshevik năm 1917 (Lenin-Trotsky), những tiên đoán của Engels về một thế chiến trong tương lai cùng hệ quả của nó, cùng voi cùng với những đường lối trong nghị quyết được thông qua ở đại hội Basel của Đệ Nhị Quốc tế (1913) – và qua đó ta có thể nhận ra rằng đường lối Marxist đã được chứng minh là đường lối chặt chẽ, khoa học nhất vào thời điểm ấy. Nhưng kể cả khi nó chịu những thất bại nặng nề nhất, thì nó vẫn như vậy. Bạn có muốn hiểu được sự thất bại của bản thân hay không? Nếu như muốn hiểu được, thì bạn chỉ có thể sử dụng phương thức phân tích lịch sử của chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx đã tỏ ra mình bất lực ở Đức ngay cả trước cuộc phản cách mạng của Quốc xã, nhưng nó là học thuyết duy nhất có thể giải thích được chiến thắng của một đảng gồm những kẻ vô giai cấp, được trả tiền và hỗ trợ bởi những tên đại tư bản giữa cơn khủng hoảng kinh tế không lối thoát. Giai đoạn phức tạp này của cuộc đấu tranh giai cấp, được dọn đường bởi sự nhục nhã của thể diện quốc gia ở Versailles, và cuộc thảm sát những nhà cách mạng vô sản (Noske, 1918-1921), chỉ có thể hoàn toàn hiểu được thông qua lý luận khoa học của giai cấp bị đánh bại. Và đây chính là một trong những lý do khiến cho tư tưởng Marxist là mối hiểm họa to lớn đối với những kẻ chiến thắng.

 

Điều này cũng tương tự đối với sự thoái hóa trầm trọng của nền chuyên chính vô sản ở Liên Xô. Ở đây, sự trừng phạt đối với những người Bolshevik cũ, bị tiêu diệt bởi chính chế độ họ tạo ra, chẳng là gì khác ngoài một hiện tượng của cuộc đấu tranh giai cấp. Giai cấp vô sản, bị lật đổ quyền lực bởi đẳng cấp những kẻ cơ hội bám rễ trong Nhà nước mới, chỉ có thể xem xét được những nguyên nhân căn bản cho sự thất bại của chính mình, và đồng thời, chỉ có thể chuẩn bị lực lượng cho cuộc tranh đấu ngày mai bằng phương thức phân tích của chủ nghĩa Marx.

 

  1. Chủ nghĩa Marx của thời kì tư bản phát triển, như một lẽ tự nhiên, mất đi tính cách mạng nhiệt thành. Nó không dám mơ ước, không dám hy vọng hay tưởng tượng ra cái kết của xã hội mà nó sống. Mất đi dung khí, nó tự chối bỏ chính mình khi cần thiết. Thế nhưng, có những khi, sống chính là dám hành động.

 

Chủ nghĩa Marx của thời kì khủng hoảng cách mạng đầu tiên lớn lao nhất thế giới hiện đại, đại diện chủ yếu bởi người Nga – có thể nói rằng, bởi những con người được hình thành trong trường phái độc tài – đã chứng minh cho ta thấy một sự thiếu quyết đoán theo kiểu khác, và kiểu này đã khiến họ đi đến con đường hủy diệt: nó không dám đứng trên một lập trường tự do khai phóng. Hoặc nói đúng hơn, nó chỉ mang lập trường khai phóng trên lời nói và chỉ trong thời gian ngắn, vào giai đoạn dân chủ Xô-viết ngắn ngủi kéo dài từ tháng Mười năm 1917 đến hè năm 1918. Và rồi nó bắt đầu giành lại quyển kiểm soát tất cả và kiên quyết bước vào con đường “nhà nước tập quyền” – chuyên chế, rồi sau đó là độc tài. Nó không còn sự tự do.

 

Cũng dễ để giải thích – thậm chí là biện minh – cho sự phát triển này của chủ nghĩa Marx Bolshevik, qua việc chỉ ra những mối hiểm họa chết chóc đang thường trực, Nội chiến, sự bảo vệ kiên định đối với an ninh công cộng của Lenin, Trotsky, Dzerzhinsky. Cũng dễ, và đúng khi nhận ra rằng chính sách này, vào những thời kì đầu, đã bảo đảm chiến thắng của giai cấp công nhân – một chiến thắng giành được trước những khó khăn thật sự chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận ra rằng, chính sách này về sau đã dẫn đến việc giai cấp công nhân bị đánh bại bởi chế độ quan liêu. Những lãnh đạo Bolshevik trong những năm tháng vĩ đại ấy không hề thiếu kiến thức, thiếu trí lực hay sức lực. Nhưng họ thiếu sự quả cảm cách mạng, khi việc tìm giải pháp cho những vấn đề (sau 1918) thông qua sự tự do của quần chúng là nhu cầu bức thiết, thay vì sự kiểm soát của chính quyền. Họ đã dựng lên một hệ thống không phải một Nhà nước Cộng sản khai phóng như họ từng tuyên bố, mà là một Nhà nước mạnh theo đúng nghĩa cổ điển, nó mạnh trong lực lượng cảnh sát của nó, trong sự kiểm duyệt của nó, trong sự độc quyền của nó, trong các ban bệ toàn năng. Trên khía cạnh này, ta có thể nhận rõ sự tương phản rõ rệt giữa chương trình của Bolshevik năm 1917 và cấu trúc chính trị được tạo nên bởi Bolshevik năm 1919.

 

Sau khi chiến thắng trong cuộc Nội chiến, giải pháp Xã hội Chủ nghĩa cho các vấn đề của xã hội mới đáng ra cần phải tìm trong dân chủ vô sản, khuyến khích các sáng kiến, tự do tư tưởng, tự do cho các hội nhóm của giai cấp vô sản, chứ không phải như nó đã làm, đó là tập trung quyền hành, đàn áp bất đồng chính kiến, hệ thống đơn đảng độc nhất, hệ thống chính thống hẹp hòi của một tư tưởng chính thức. Ách bá quyền và ý thức hệ của một đảng đơn nhất đáng ra nên là một lời tiên tri cảnh báo về ách bá quyền và ý thức hệ của một lãnh tụ đơn nhất. Sự tập trung quyền lực cực đoan này, sự sợ hãi tự do và các biến thể ý thức hệ khác, sự tái lập trình tuân phục một quyền hành tuyệt đối, đã tước đi sức mạnh của quần chúng và khiến cho tầng lớp quan liêu mạnh lên. Vào thời điểm đó, Lenin và Trotsky đã nhận ra được mối hiểm nguy đó và muốn quay lại – lúc đầu chỉ rất dè dặt: đỉnh cao cho sự táo bạo trong đường lối của phái Đối lập Cánh tả trong Đảng Bolshevik chỉ đơn giản là đòi hỏi sự tái lập dân chủ trong Đảng, và nó không hề dám đả động đến học thuyết nhà nước đơn đảng – đến lúc đấy thì đã quá muộn rồi.

 

Sự sợ hãi tự do, cũng chính là sự sợ hãi quần chúng, đã đánh dấu suốt toàn bộ quá trình của Cách mạng Nga. Nếu như có thể rút ra được một bài học đắt giá, có thể nào hồi sinh được chủ nghĩa Marx, thứ nay đang bị đe dọa hơn bao giờ hết bởi sự sụp đổ của Bolshevik, ta có thể rút ra được thông qua những ý như sau: Xã hội Chủ nghĩa về cốt lõi là dân chủ - từ “dân chủ” ở đây được dùng với nét nghĩa khai phóng của nó. Chúng ta có thể thấy ngày nay Liên Xô không có tự do tư tưởng, không có tự do ngôn luận, không có tự do chỉ trích, không có tự do sáng kiến, và sản xuất xã hội chủ nghĩa chỉ có thể đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác. Tự do cũng rất quan trọng đối với Chủ nghĩa Xã hội, cũng như tinh thần tự do là thứ rất quan trọng đối với chủ nghĩa Marx, như dưỡng khí cũng quan trọng với sinh vật sống.

 

  1. Ngay sau chiến thắng huy hoàng của Cách mạng Nga, giờ đây chủ nghĩa Marx đang bị đe dọa, thanh danh của nó đã sụt giảm trầm trọng, và trong phong trào vô sản, ta thấy một sự thoái chí nghiêm trọng. Thật sự là vô ích nếu ta vẫn cứ không tin. Chúng ta đã thấy, ở đất nước nơi Xã hội Chủ nghĩa đã chiến thắng, đảng Marxist – đảng đã tận hưởng niềm vinh danh, đầy kiêu hãnh và xứng đáng – chỉ trong vòng có 15 năm, đã phải chịu sự tha hóa đến tột cùng. Chúng ta đã thấy nó chạm đến mức độ mà nó sẵn sàng bôi nhọ và tàn sát những anh hùng của quá khứ, dựa chính vào lòng trung thành của họ, cho mục đích vu khống họ trước tòa, dựa trên những sự giả mạo sơ sài, những lời tự thú còn nham hiểm hơn cả chính chúng. Chúng ta đã thấy, nền chuyên chính vô sản đã tự chuyển hóa đầy lạnh lung thành một nền độc tài của đẳng cấp quan liêu, công an trị lên giai cấp vô sản. Chúng ta đã thấy, giai cấp vô sản, còn đang trong men say chiến thắng, đã bị hạ thấp, chà đạp cả về phẩm giá lẫn mức sống còn dưới cả thời Sa hoàng. Chúng ta đã thấy, những người nông dân bị tước đoạt, hàng triệu con người bị đọa đày, nền nông nghiệp bị tàn phá bởi tập thể hóa cưỡng bức. Chúng ta đã thấy, các bộ môn khoa học và văn học nghệ thuật, tư tưởng bị cùm xích theo đúng nghĩa đen, chủ nghĩa Marx bị tối giản thành những công thức thường xuyên bị thao túng cho những mục đích chính trị, và bị tước hết sạch sự sống. Chúng ta đã thấy, chủ nghĩa Marx, hơn thế còn bị bóp méo sai lệch, được áp dụng một cách sơ sài để đáp ứng lợi ích của một chế độ xét trong đường lối của nó, trong hành động của nó, trong những dạng áp bức và bóc lột lao động mới mà nó áp đặt đè lên nền tảng sở hữu công đồng của phương thức sản xuất. Chúng ta đã thấy, và chúng ta vẫn thấy cảnh tượng độc ác không thể diễn tả của khủng bố ngầm, thiết lập thường trực và bất tận ở Liên Xô. Chúng ta đã thấy, giáo phái sùng bái “Lãnh tụ Kính yêu”, sự tha hóa của giới trí thức và các tổ chức công nhân ở nước ngoài, một hệ thống dối trá liên tục được tuyên truyền bởi bộ máy báo chí tuyên giáo không lồ, những kẻ vẫn dám tự gọi mình là Cộng sản, những tên mật vụ, cớm chìm của Moscow giết hại hay bắt cóc những người đối lập với nó, dù cho họ có ở rất xa như Tây Ban Nha hay Thụy Sĩ. Chúng ta đã thấy, cơn hoại tử viêm nhiễm này đã lan ra khắp Tây Ban Nha cách mạng, phá hoại vận mệnh của giai cấp vô sản, có lẽ sẽ không thể nào bù đắp lại được nữa. Và nó vẫn chưa kết thúc. Tất cả các giá trị cấu thành nên sự vĩ đại của Chủ nghĩa Xã hội, từ nay về sau, đã bị phá hoại, bị hoen ố, bị tiêu diệt hoàn toàn. Sự phân ly nghiêm trọng, giữa kẻ mù quáng và người sáng suốt, giữa kẻ bất lương và người chính trực, đang ngày càng khắc sâu trong hàng ngũ những người vô sản, đã gây nên những xung đột nội bộ, khiến cho mọi tiến bộ tinh thần giờ đây đều không thể. Vì giờ đay, không thể nào tranh luận với nhau một cách thiện chí và khai phóng tư duy nữa, dù chỉ là một vấn đề lý thuyết hoặc lý luận xuất phát từ chủ nghĩa Marx. Thảm kịch xã hội ở Liên Xô đã phá hoại sự phát triển, chính sự sống, của ý thức nhân loại hiện đại.

 

Vào tháng 5 năm 1936, tôi đã viết thư cho André Gide, trước khi anh rời để đến Liên Xô: “Chúng ta tạo nên một mặt trận chung chống lại Phát xít. Nhưng làm thế nào mà chúng ta có thể cản bước nó, với quá nhiều trại tập trung ở bên phía chúng ta? Nhiệm vụ của chúng ta không còn đơn giản nữa, và không ai được phép tối giản nhiệm vụ ấy nữa. Không có một sự chính thống mới nào, không có những lời dối trá thần thánh nào còn có thể làm dịu đi cơn bỏng rát này nữa. Xét trên một mặt nào đó, chỉ có Liên bang Xô Viết còn là hy vọng lớn nhất của nhân loại ngày nay, và dù xét thế nào thì, những người vô sản Xô viết vẫn còn chưa nói lời cáo chung.”

Mọi xung đột xã hội cũng đều là một cuộc đua. Nếu như chủ nghĩa xã hội chiến thắng được chủ nghĩa phát xít, nó chắc chắn phải đem điều kiện xã hội của nhân loại lên một tầm cao mới.

Liệu có cần thiết phải nhấn mạnh lại lần nữa rằng, chủ nghĩa Marx rối loạn, bóp méo và đẫm máu của những tay xạ thủ, đao phủ của Moscow – không phải là chủ nghĩa Marx hay không? Rằng nó tự phủ định, tự sai lệch, và vô hiệu chính nó? Quần chúng, đáng buồn thay, sẽ mất kha khá thời gian để nhận ra điều ấy. Họ sống không phải nhờ vào những suy nghĩ lý tính và rõ ràng, mà dựa vào những ấn tượng được thay đổi từ từ bởi bài học kinh nghiệm. Do tất cả những thứ này diễn ra dưới lá cờ bị chiếm đoạt từ chủ nghĩa Marx, thì chúng ta cũng nên tính đến việc, quần chúng, không thể áp dụng cách phân tích Marxist để phân tích những bi kịch này, sẽ chống lại chủ nghĩa Marx. Tất cả những thứ này đều đúng với mong muốn của kẻ thù chúng ta.

 

Nhưng tư tưởng khoa học không thể nào tụt xuống dưới mức của chủ nghĩa Marx, hay là giai cấp vô sản cũng không thể nào hành động mà không có vũ khí trí lực này. Giai cấp vô sản châu Âu giờ đây vẫn đang hồi phục sức mạnh vốn đã bị hao mòn và rút cạn từ cuộc thế chiến, nền tảng công nghiệp của nó đang mở rộng mạnh mẽ. Cuộc đấu tranh giai cấp vẫn đang tiếp diễn. Đối với lớp vỏ mới của những tên độc tài, ta đã nghe thấy nền móng của cấu trúc xã hội cũ đang rạn nứt. Chủ nghĩa Marx rồi sẽ trải qua cung bậc thăng trầm, có thể sẽ bị lu mờ trong bóng đêm. Tuy nhiên, sức mạnh của nó, được hình thành qua dòng lịch sử, dường như không thể cạn vơi. Vì nền tảng của nó là kiến thức, kết hợp cùng với sự tất yếu phải cách mạng.