Viết năm: 1970
Nguồn: Franco Ferrarotti, "Conversation with Gyorgy Lukacs [Trao đổi với Georg Lukács]", Worldview (tháng 5/1972), trang 30 - 34
Bản điện tử: https://carnegiecouncilmedia.storage.googleapis.com/files/v15_i005_a005.pdf
Dịch sang Tiếng Việt: Đăng Thành
[Cách tiếp cận liên ngành]
Franco Ferrarotti
Có lẽ, chúng ta sẽ bàn về xã hội học.
Georg Lukacs
Tôi cũng lưu ý đến xã hội học lâu nay. Như anh biết, tôi học nó với Max Weber, và có nhiều kỷ niệm đẹp trong những năm ấy. Nhưng xã hội học bây giờ tẻ ngắt.
Franco Ferrarotti
Khi tôi bắt đầu nghiên cứu xã hội học ngay lập tức sau chiến tranh [1945], xã hội học ở Ý đã chết, nó kiệt quệ, bị đàn áp,…
Georg Lukacs
Tôi đôi lúc lo cho mục đích và bản chất của xã hội học xét như một khoa học. Nó thật sự là một khoa học độc lập? "Độc lập" ở đây, trong các quan hệ, nghĩa là gì? Giờ đây ta có thể nói về một cách tiếp cận liên ngành. Nhưng tôi ngờ rằng cái gọi là "một cách tiếp cận liên ngành", đằng sau nó là một hỗn đồng trong khái niệm.
Franco Ferrarotti
Tôi thường nghĩ rằng một xã hội học vừa có một nền tảng khoa học vừa có một định hướng chính trị không thể phát triển, ngoại trừ một kết hợp giữa tân lí tưởng luận [neo-idealism] với một mẩu của kinh nghiệm luận – như xã hội học ở Mỹ.
Georg Lukacs
Ta cần vượt qua điều ấy. Cần cố định nghĩa, chí ít là cố giữ câu hỏi về quan hệ giữa xã hội học, triết học, kinh tế và lịch sử. Khi không nhìn thấy những quan hệ trên, và giới hạn bản thân chỉ xét một cách tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu xã hội học, thì ta, không thể tránh khỏi, rơi vào một sự phân mảnh theo chuyên môn cao.
[Phê phán xã hội học tư sản]
Franco Ferrarotti
Có thể như vậy. Nhưng tôi nghĩ cũng dễ dãi để nói về một "xã hội học marxist" là trả lời cho những câu hỏi ông nêu. Ta cần lập một xã hội học phê phán đích thực.
Georg Lukacs
Đồng ý với anh. Nhưng điều quan trọng hơn là hiểu tại sao xã hội học Mỹ trói chặt chính mình vào những kỹ thuật thuần mà không hiểu gì về những chuyển động chung của xã hội. Câu trả lời là xã hội học Mỹ tự tách mình khỏi kinh tế học. Không thể hiểu xã hội nếu không xét cấu trúc kinh tế của nó. Bởi vì anh không thể nghiên cứu một xã hội trong một khía cạnh, xã hội học không phải một khoa học độc lập. Phương pháp của Marx, mà Stalin tàn phá, phân tích toàn thể xã hội, phong cách của nó, chuyển động của nó, nhịp của quá trình nó phát triển. Chúng ta cần tái tạo cái thống nhất ấy. Những mẩu của khoa học xã hội cần được xét đúng đắn trong lịch sử của truyền thống tư sản, nó cổ vũ sự chuyên môn hóa tới mức tách rời, do đó què quặt trong hiểu biết xã hội xét như một toàn thể thống nhất, và trở nên, chẳng hạn, những công cụ thần bí.
Franco Ferrarotti
Dẫu sao cũng cần khuôn và giới hạn kỹ đối tượng nghiên cứu. Hẳn là dù những phối cảnh mới [new perspectives] có thể phát triển, ta không thể vứt bỏ những kết quả giá trị của nghiên cứu xã hội học trong những thập niên vừa qua.
Georg Lukacs
Kết quả của xã hội học hiện nay, ví dụ xã hội học khoa bảng ở Mỹ có thể giữ lại. Một số có giá trị thực sự và đóng góp quan trọng về thông tin. Tôi để mắt tới, ví dụ, một vài nghiên cứu của Galbaith. Tất nhiên, những nghiên cứu như vậy quá chuyên môn và thiếu một lý thuyết xã hội đại cương, chẳng bao giờ chạm tới trung tâm vấn đề. Nhưng chúng có thể vẫn được sử dụng một cách phê phán. Cần sử dụng một cách phê phán những đóng góp cụ thể, dẫu nó là của Galbraith. Những nhà xã hội học tư sản ấy giúp ta hiểu chủ nghĩa tư bản chuyển động ra sao, và nó chuyển động mỗi ngày, dù bản chất nền tảng vẫn giữ nguyên. Marx đã sử dụng các kinh tế gia cổ điển, đặc biệt là Ricardo, và do đó ta có thể học tập để sử dụng, từ quan điểm marxist, những đóng góp của xã hội học tư sản.
Franco Ferrarotti
Nhưng, dẫu xã hội học tư sản không thiếu một khung lí thuyết toàn thể dù nó ẩn giấu …
Georg Lukacs
Không, xã hội học tư bản không như vậy, thực tế nó không làm chủ được một khung khái niệm [a conceptual framework] đúng nghĩa, cũng không xử lý nổi đầu vào là quà tặng của những dự liệu chuyên biệt. Xã hội tư sản không thể thoát khỏi kinh nghiệm luận tầm thường. Lí do nền tảng là xã hội tư sản thiếu một giá trị thức nhận [cognitive value] đúng nghĩa.
Franco Ferrarotti
Những điều ông nói không mâu thuẫn, và đề xuất ta vẫn có thể dùng các kết luận của xã hội học tư sản?
Georg Lukacs
Không có gì là mâu thuẫn. Như tôi nói, những kết quả đã chỉ ra, chẳng hạn, quá trình phát triển tự nhiên của chủ nghĩa tư bản. Trong thế kỷ trước [XIX] thị trường và cùng với nó, sức mạnh của chủ nghĩa tư bản hướng tới những nhóm ngành quan trọng nhưng hạn chế của kinh tế và đời sống xã hội. Logic của chủ nghĩa tư bản tập trung vào nhóm ngành chính của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp thép, hoặc như ta nói, Schwere Industrie. Nhưng chủ nghĩa tư bản hôm nay vươn tới, và là điều kiện, của mọi mặt của đời sống. Logic của chủ nghĩa tư bản hướng tới việc làm trùng nó với logic của bản thân quá trình xã hội, từ đó tách rời và nhấn chìm toàn thể đời sống xã hội. Chúng ta đã qua chủ nghĩa tư bản từng phần [partical capitalism] của thế kỷ trước để tới chủ nghĩa tư bản toàn thể [generalized capitalism] ngày hôm nay. Marxism, trong phạm vi này, còn lâu mới kiệt quệ, thậm chí nó rất khó bắt đầu. Trong mọi trường hợp, nghịch lý thay, marxism phải phát triển khi ta nghiên cứu những vấn đề Marx chưa có thể nghiên cứu.
Franco Ferrarotti
Tôi không hiểu. Làm sao marxism trở nên bộ khung duy nhất và cần thiết cho quá trình vận động cách mạng khi mà bộ khung tự nó chưa hoàn thiện?
Georg Lukacs
Bộ khung ấy hoàn thiện. Marxism hoàn thiện như bản chất của một cách tiếp cận nghiên cứu toàn nhân loại về xã hội trong quá trình chuyển hóa lịch sử. Nó hoàn thiện trong phương thức phân tích và phê phán của mình, thành lập lí thuyết tôn ti của những thành phần kiến tạo xã hội. Nhưng hoàn thiện về phương pháp không có nghĩa là ai cũng có thể tìm thấy mọi thứ từ Marx. Những nhu cầu đặc biệt được đáp ứng chỉ bằng quá trình nghiên cứu dài và kiên nhẫn cơ bản của phương pháp marxist. Đây là chỗ những người marxist đi sai đường. Họ đi đường dễ, hạn chế bản thân, nhằm lặp lại những điều họ không hiểu và nhấn mạnh những chiến lược nằm trên và chống lại lý thuyết. Chuyện quá rõ ràng, chẳng hạn, Marx chưa bao giờ nghiên cứu tường tận các nền kinh tế của Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latinh. […]
[Không còn lý thuyết marxist]
Franco Ferrarotti
Như ông nói, xã hội học phải nghiên cứu Marx, phải học kỹ những bài học của marxism.
Georg Lukacs
Chính thế, nhưng vấn đề là ngày hôm nay chẳng có marxist. Ta đơn giản là không có một lý thuyết marxist. Tin tôi đi, ngày hôm nay ta cần làm những gì Marx thực hiện đối với chủ nghĩa tư bản thời của ông. Ta phải làm vì lợi ích của chủ nghĩa tư bản hôm nay và vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội.
Franco Ferrarotti
Chủ nghĩa xã hội?
Georg Lukacs
Đúng, vì cả lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội cũng cần tiếp tục nhận được một phân tích phê phán rạch ròi, và phải được thực hiện ở quy mô thế giới. Không ai làm chuyện này. Không ai nghĩ tới. Một chuyện kỳ khôi. Thiếu một lý thuyết, những marxist bị cầm tù trong những sự kiện hàng ngày. Những phong trào tập thể nổi lên và được gọi là "tự phát" – những phong trào của học sinh, người trẻ, vân vân – rồi các marxist đuổi bắt những fact. Lý thuyết của các vị ấy chỉ cao hơn sự ngạc nhiên được lí tính hóa của họ một tẹo.
Franco Ferrarotti
Nhưng những phong trào ông bàn tới có một ý nghĩa và những gốc cấu trúc trong đấu tranh chống lại quá trình thư lại hóa [bureaueratization] của đời sống xã hội và cá nhân. Rõ ràng nó có biểu nghĩa [significance] yêu cầu phản chiếu.
Georg Lukacs
Đương nhiên, những phong trào phản kháng có ý nghĩa, như anh nói, nhưng nó không thể được hiểu khi thiếu một lý thuyết xã hội toàn thể. Không có lý thuyết ấy, chú ý tập trung vào các mặt ngoại mục lẫn kỳ quặc mà bỏ qua toàn thể phong trào. Ngay cả những marxists nói rằng họ có một lý thuyết toàn thể cũng bị thúc chạy theo sự kiện ngày qua ngày, đằng sau tất cả những gì tạo nên tin tức, trong những mẩu vụn, và hoàn toàn phản marxist, bởi vì các vị ấy không phát triển lý thuyết của mình.
Franco Ferrarotti
Nghĩa là có một đứt gãy trong quá trình phát triển của marxism? Ra sao? Khi nào?
Georg Lukacs
Thực là có một đứt gãy. Marxism, hiểu như nó cần được hiểu, là một lý thuyết toàn thể về xã hội và lịch sử, không còn tồn tại. Nó đã chấm dứt. Thay vị trí của nó, chúng ta đã, đang và sẽ có chủ nghĩa Stalin. Chủ nghĩa Stalin được mô tả bằng nhiều cách ngu xuẩn, nhưng thực tế tình hình đơn giản như này: dù hành động thuận hay ngược lịch sử, kết quả vẫn là chủ nghĩa Stalin. Nó, nhiều hơn một diễn giải lỗi hay một phòng vệ của marxism, là phủ định của marxism. […] Châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh chỉ đơn thuần là những cụm từ của Marx. Ta phải nghiên cứu các quốc gia ấy và kinh tế của nó bằng phương pháp của Marx. Rời xa điều này, chỉ còn lại trừu tượng, không còn những phân tích nghiêm túc.
[Cách suy luận của Marx]
Franco Ferrarotti
Nhưng hẳn là moment của trừu tượng là cơ bản để hình thành một lý thuyết chung.
Georg Lukacs
Chính thế, và tôi sẽ là người cuối cùng phủ nhận tầm quan trọng của mômen trừu tượng dưới cái tên bị hiểu lầm của một duy vật luận hay một kinh nghiệm luận. Đây chính là điều các nhà thực chứng luận không thể hiểu được, rằng fact phải được diễn giải, và do đó phải được siêu vượt [trandscended]. Nó không phải câu hỏi cái gì xuất hiện trước, facts hay cái trừu tượng. Không có trước sau gì cả. Nếu quên chuyện ấy, thực chất của vấn đề chấm dứt, không tránh khỏi rơi vào siêu hình. Tôi không hiểu những hấp tấp trên đối diện với fact ra sao. Fact là fact. […] Không có lý do gì để đặt tôn ti giữa tồn tại và ý thức. Thật đúng, Marx viết "tồn tại sáng tạo tư duy [being creates thinking]" và không phải ngược lại. Và marxism đặt duy vật luận lịch sử vào việc tồn tại xã hội có trước ý thức xã hội; đây là một tiên nghiệm theo kiểu của nó [a priority sui generis] và không nên sử dụng máy móc. Sai lầm khủng khiếp khi đặt ý thức phụ thuộc vào tồn tại. Thực tế, ý thức của ta về tồn tại xã hội cho phép ta tác động và biến đổi tồn tại xã hội. Chỉ cách này ta mới thoát khỏi sức nặng kinh nghiệm luận của tồn tại. […]
Tôi, dĩ nhiên, thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của dữ liệu phân tích, đồng thời chống cái trừu tượng vô căn cứ và tùy tiện. Marx tự xét những tác phẩm thời trẻ là thuần triết học theo nghĩa truyền thống. Ông cho rằng tác phẩm thực sự quan trọng là bộ Tư bản phân tích xã hội tư bản chủ nghĩa thời của ông. Marxism thừa nhận những phân tích khoa học, nhưng không cùng nghĩa với những phân tích thực chứng luận nô lệ các fact không thể diễn giải, hay những phân tích lý tưởng luận. Marx phê phán kinh tế chính trị học cổ điển, đặc biệt là Smith và Ricardo, là ví dụ tốt cho phê phán khoa học. Lý thuyết của hai người cơ bản là tĩnh do đó không thể đánh giá những chuyển động của xã hội. Marx đặt các fact tĩnh của hai người (thị trường, lao động, hàng hóa, vân vân) trong một bối cảnh lịch sử đặc thù và định nghĩa lại chúng theo phép biện chứng, có thể xét vận động lịch sử mà không bất tận hóa hay sửa đổi cụm từ cụ thể của nó. Từ đó Marx trả lại cho con người lịch sử của chính mình. Đối với Marx, lịch sử không còn thuộc về tự nhiên. Nó trở thành văn hóa, là ý thức của con người, những thành tựu của con người, trách nhiệm của con người. Lịch sử, thuộc về ý thức xã hội nó làm chủ, hiểu và thay đổi tồn tại xã hội. Trong cái nhìn này, tôi từ chối đặt tôn ti giữa tồn tại và ý thức.
Franco Ferrarotti
Như vậy kế hoạch kinh tế hoặc cấu trúc kế hoạch quyết định trong việc giải thích xã hội marxist?
Georg Lukacs
Nhưng không thể cô lập kế hoạch kinh tế, anh gọi vậy, khỏi phần còn lại. Bản thân lý do kinh tế chẳng giải thích được gì. Ai cũng nên cẩn thận kẻo diễn giải marxism một cách cơ giới. Marxism cũng là đối tượng cho cách diễn giải thực chứng luận, và kết quả là, cả chính trị lẫn triết học, chủ nghĩa cơ hội, hay, như chúng ta đều thấy, chủ nghĩa Stalin. […]
Điều anh nói đơn giản là marxism không trở nên giáo điều, rằng trong marxism có một kích thích phê phán tác động đến giáo điều đặc thù. Tôi đã nói marxism phải phát triển, rằng tác phẩm của Marx phải được đọc cùng những kết luận của chúng. Marcuse đã cố, theo một sơ đồ [schematism],bản tính là phi lai [utopian]. Marcuse không có khả năng phân tích khoa học. Anh ta đã đánh mất cái nhìn của giai cấp công nhân. Lý tưởng hóa giai cấp vô sản [subproletariat] của Marcuse hoàn toàn lãng mạn và không có nền tảng vững vàng. Mặt khác, mômen của phân tích khoa học là cơ bản; không thể có cách mạng chính trị đúng cách nếu không có trước đó những phân tích khoa học nó quan hệ tới khung lịch sử và xã hội toàn thể. Đối với phong trào cách mạng ngày hôm nay, điều trên là nhu cầu khẩn cấp nhất. Ta thực tế không có chính sách bởi vì không có lý thuyết. Chúng ta do đó đều là stalinist. […]
[Chúng ta dừng lại ở Lenin]
Franco Ferrarotti
Từ đâu ông suy ra không tồn tại một lý thuyết marxist toàn thể dùng cho ngày hôm nay?
Georg Lukacs
Từ thực tế là chúng ta đã và đang suy đồi, và nhiều điều trốn khỏi ta. Có nhiều hiện tượng mới mà ta chẳng biết nói gì. Ta đợi một đại khủng hoảng, nhưng chủ nghĩa tư bản không có dấu hiệu khủng hoảng kể từ 1929 bởi vì ngày hôm nay nó đã nắm được toàn thể đời sống xã hội. Chẳng thích thú gì nhưng đó là sự thật. Quá trình tiêu dùng hàng loạt của những công nhân trở nên ý nghĩa cho việc loại trừ khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Từ thị trường mà Marx và Engels biết […] đã chuyển qua thị trường lũng đoạn của thế kỷ này. Trong lúc những phân tích của ta chết cứng, chủ nghĩa tư bản tiếp tục tiến hóa. Ta dừng lại ở Lenin. Sau ông, không còn marxism.
Trong thế kỷ XIX, ví dụ, độ dài ngày làm việc là vấn đề quan trọng. Nó chuyển từ 14 giờ xuống 13 giờ, xuống tiếp 12, rồi 10 và cứ thế. Vấn đề ngày hôm nay lại khác. Không còn quan trọng nữa độ dài của tuần làm việc, mà là hiểu và lên lịch các công nhân làm gì trong "thời gian rảnh" nổi tiếng của họ; họ tiêu khiển những gì, đi đâu, vân vân. Trong thế kỷ XIX nhà tư bản có thể lãnh đạm với nhu cầu tiêu dùng của người lao động. Chủ nghĩa tư bản chú ý đầu tư cơ bản tất cả, vào công nghiệp nặng, còn các nhóm ngành quan trọng của đời sống tập thể bị bỏ qua. Ngày hôm nay chủ nghĩa tư bản chú ý tới toàn thể đời sống xã hội, từ bốt đàn bà tới ô tô, dụng cụ nấu ăn có thể đem giải trí. Đó là một thay đổi về chất mà chúng ta biết quá ít. Ta phải để mắt tới quá trình tiến hóa của những kỹ thuật sản xuất, và từ đó, tới quá trình tiến hóa của phân công lao động và những hậu quả của công nghệ sản xuất tới vai trò chính yếu và cách cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra.
[Vai trò của trí thức]
Franco Ferrarotti
Tôi quan tâm đến vai trò của trí thức định hướng lý thuyết toàn thể mà ông đã nói. Liệu có thể vẫn xét trí thức như một bộ phận xã hội tách rời, hay họ cũng chỉ ăn lương công nhân như mọi người?
Georg Lukacs
Không, đối với tôi trí thức không phải những công nhân đơn thuần ăn lương như tất cả. Cái gọi là quá trình vô sản hóa trí thức không làm họ trở nên vô sản đích thực. Trí thức có những trách nhiệm đặc biệt. Chẳng hạn, họ có quyền lực thực sự và giữ vai trò quan trọng trong những quyết định chính trị. […] Tuyên truyền chính thống vẫn tiếp tục nói về "chuyên chính vô sản", nhưng những trí thức giả bộ là công nhân thật tức cười. Không được quên Marx và Engels là trí thức và tư sản, rồi Lenin cũng sinh ra trong một gia đình trí thức tư sản. Lenin dạy chúng ta rằng ý thức xã hội chủ nghĩa không nảy mầm tự nhiên từ giai cấp lao động, mà được đưa đến cho giai cấp lao động bởi cuộc cách mạng của trí thức. Thời đại này sang thời đại khác, chuyện xảy ra chính xác như vậy, nhưng nó chẳng phải sự tự nhiên cơ giới, cũng chẳng phải thuyết định mệnh.
Ta, dĩ nhiên, bằng mọi giá phải tránh chủ nghĩa gia trưởng của giới trí thức, nó luôn che đậy chủ nghĩa nguyên chế và đó đó chuyện trở nên xảo trá hơn. Nhưng nỗi sợ chủ nghĩa gia trưởng không nên làm ta nhắm mắt lại trước những điều quan trọng, trong tình hình quyết định, của vai trò quan trọng ở những nhân cách vĩ đại trong lịch sử? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Liên Xô năm 1917 thiếu Lenin? Chúng ta có chắc rằng thiếu ông, Cách mạng tháng Mười vẫn xảy ra? Chủ nghĩa xã hội là thứ con người tạo ra. Kiến tạo của xã hội chủ nghĩa bị cản trở và cuối cùng bị bóp nghẹt bởi quá trình thư lại hóa? Những điều ấy phụ thuộc vào bản thân con người.